Thúc đẩy vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam
Tổng thống Hàn Quốc kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam Hàng tỷ USD từ Hàn Quốc đang chờ vào Việt Nam |
Điều này cũng cho thấy Việt Nam ngày càng trở thành thị trường hấp dẫn đối với nhà đầu tư Hàn Quốc.
Sự dịch chuyển này đã đem lại những tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam trên nhiều mặt. TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, trong tương lai, cần tăng cường khai thác hiệu quả những tác động tích cực của dòng FDI quan trọng này.
TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh |
Hàn Quốc đầu tư toàn diện vào Việt Nam
Trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đến Việt Nam mới đây, có 205 DN tham gia tháp tùng. Qua thống kê cho thấy, đây là số lượng DN có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, ông có nhận định gì về việc này?
- Chuyến thăm của Tổng thống Yoon Suk-yeol phản ánh mối quan hệ kinh tế và chiến lược đang phát triển của Hàn Quốc và Việt Nam. Đầu tư của Hàn Quốc vào
Việt Nam có xu hướng gia tăng, xuất phát từ những chính sách của Chính phủ 2 nước, cũng như từ lợi thế của Việt Nam. Sự hiện diện của phái đoàn kinh tế lớn, bao gồm đại diện từ các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc và các tổ chức kinh tế lớn, nêu bật tầm quan trọng mà Hàn Quốc đặt vào mối quan hệ với Việt Nam.
Mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại với ASEAN và đặc biệt là Việt Nam, là điều cần thiết đối với Hàn Quốc. Việt Nam là quốc gia đang phát triển mở nhất khu vực ASEAN. Hai nước đã ký FTA song phương, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đã được ký kết, Việt Nam chính thức tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN… đã kích thích không chỉ dòng FDI của Hàn Quốc, mà cả của các quốc gia khác, nhất là từ châu Á.
Ông đánh giá ra sao về vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam? Đặc điểm của dòng vốn này khi đầu tư vào Việt Nam là gì?
- Việt Nam đã thu hút được 142 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đăng ký hơn 81,3 tỷ USD với gần 9.500 dự án, tính đến hết năm 2022.
Cùng với Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc là một trong ba chân kiềng vững chãi nhất, đang ngày càng trở thành đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam, với lý do không chỉ vì số lượng vốn lớn, mà còn vì vốn đầu tư từ quốc gia này đang hướng đúng vào mục tiêu chiến lược thu hút FDI của Việt Nam.
Các DN Hàn Quốc đầu tư tại hầu hết các tỉnh, thành của Việt Nam. Một số tỉnh, thành Hàn Quốc rót vốn đầu tư lớn là Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang và TP Hồ Chí Minh. Chất lượng nguồn vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam cũng được đánh giá cao, dựa trên những tiến bộ khoa học, công nghệ do Hàn Quốc chuyển giao và ứng dụng tại Việt Nam.
Nếu nhìn vào các dự án quy mô lớn gần đây mà Samsung, LG, Posco, Hyundai, Lotte… đầu tư vào Việt Nam đã tác động lớn tới kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam. Hàng chục nhà đầu tư vệ tinh, với vốn đầu tư hàng tỷ USD đã theo chân Samsung, LG để đặt đại bản doanh tại Việt Nam.
Trong vài năm gần đây, gần 100 DN Việt Nam đã trở thành DN phụ trợ của Samsung và tập đoàn này bước đầu đã có chương trình bồi dưỡng những DN phụ trợ trong nước để tăng cường năng lực cho các đơn vị có đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng của mình. Do vậy, các DN Việt Nam đã có điều kiện tiếp cận được với những công nghệ tiên tiến của họ.
Ngoài những tác động cải thiện việc làm và công nghệ, gia tăng FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam trong giai đoạn vừa qua cũng đã có những tác động quan trọng đến ngành nông nghiệp, trong lĩnh vực tài chính (Shinhan, KB, Woori…)… hướng tới các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, môi trường, tăng trường xanh, năng lượng tái tạo. Ước tính hiện nay, các DN Hàn Quốc đóng góp trên 25% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Vì sao FDI Hàn Quốc quan trọng?
Ông dự đoán thế nào về tương lai dòng vốn FDI Hàn Quốc với Việt Nam?
- Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng. Qua đó, dòng vốn FDI của Hàn Quốc dự báo vẫn sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam.
FDI Hàn Quốc vào Việt Nam tăng lên nhanh chóng trong 5 - 6 năm qua là do liên tiếp các dự án hàng tỷ USD đổ vào Việt Nam. Điều quan trọng, cùng với các dự án “lõi” của Samsung, LG… hàng trăm nhà đầu tư vệ tinh Hàn Quốc cũng tìm đến Việt Nam để đầu tư, kinh doanh, tạo thêm xung lực cho làn sóng FDI Hàn Quốc vào Việt Nam.
Một số lượng không nhỏ các khoản đầu tư của DN Hàn Quốc, mà Samsung là ví dụ điển hình, được đầu tư thông qua các công ty con của nước ngoài. Nếu tính thêm các khoản vốn này, FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam chắc chắn còn tăng cao thời gian tới.
Chưa kể, cùng với những “cái tên cũ” như Kumho, Doosan, Hyundai, GS, Posco…, gần đây, những tên tuổi mới của Hàn Quốc đã rót vốn vào Việt Nam. Lotte là một ví dụ.
Thống kê có khoảng trên 80% vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trong năm 2022 là vốn mở rộng từ những dự án hiện hữu. Đây là điểm vô cùng tích cực, điều đó chứng tỏ các DN Hàn Quốc làm ăn hiệu quả tại Việt Nam và họ muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh tại đây.
Thực tế là tại Diễn đàn DN hai nước hôm 23/6, hơn 100 công ty Hàn Quốc và Việt Nam đã trao đổi biên bản ghi nhớ hợp tác. Với những động thái gần đây của các DN Hàn Quốc, thời gian tới vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, lên tới cả tỷ USD.
Tiềm năng hợp tác giữa hai bên là rất lớn. Cách nào để thu hút thêm nguồn vốn chất lượng và khai thác hiệu quả từ Hàn Quốc vào Việt Nam?
- Các DN Hàn Quốc đang hiện diện ở gần như 60 tỉnh thành của Việt Nam, nhưng tập trung chủ yếu tại một số tỉnh, TP lân cận Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điều này có liên quan tới những tiện ích thuận lợi về cả giao thông và sinh hoạt. Có rất nhiều sự hấp dẫn khác nhau tại các địa phương của Việt Nam. Một số vùng sâu vùng xa có thể khai thác về lĩnh vực nông nghiệp. Đây cũng là một thế mạnh mà các DN Hàn Quốc có.
Mỗi tỉnh có một đặc điểm và thế mạnh riêng, tuy nhiên, để đầu tư một nhà máy lớn tại địa phương thì cần phải có hạ tầng tốt, nhất là điện. Vì vậy, mỗi địa phương cần quảng bá những lợi thế của mình, đồng thời xem xét kỹ xem có thể thu hút những lĩnh vực nào, để từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển thế mạnh của mình.
Một báo cáo nghiên cứu về xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Hàn Quốc do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) công bố cho biết, các DN Hàn Quốc thường đầu tư ra nước ngoài với các mục tiêu: tiếp cận thị trường (chiếm 36% mục đích đầu tư); tiết giảm chi phí sản xuất (31%); tiếp cận công nghệ nguồn, nguyên liệu; tránh rào cản thương mại và đầu tư kết hợp phát triển thương mại.
Ngoài ra, gần đây có xu hướng các nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư để đón đầu các ưu đãi về thuế quan khi các nước ASEAN tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với mục tiêu gia công - xuất khẩu.
Tôi cho rằng, các vấn đề như nhân lực, cung cấp lao động chất lượng cao và ổn định, mặt bằng, môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính… là quan trọng. Ví dụ như vấn đề giấy phép lao động, cấp visa và cấp thẻ tạm trú, quy định phòng cháy, chữa cháy... Hy vọng Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết những vướng mắc này. Các DN Hàn Quốc sẽ đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) nếu Chính phủ Việt Nam sớm hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này. Ngoài ra, muốn thu hút công nghệ cao chất lượng điện, nguồn điện phải bảo đảm cho DN có thể hoạt động được ổn định.
TS Võ Trí Thành
Việt Nam đang nghiên cứu các cơ chế, chính sách mới trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến được áp dụng tại một số quốc gia từ đầu năm 2024. Dù vậy, Hàn Quốc có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam, có nhiều DN thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Có thách thức nào khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu?
- Hiện nay cũng đang có rất nhiều khó khăn, thách thức như việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này sẽ làm thay đổi cục diện thu hút FDI tại Việt Nam theo chiều hướng thuận lợi, khó khăn đan xen. Vì vậy, cần phải cân nhắc và hết sức khéo léo khi áp dụng và điều chỉnh những chính sách mới.
Các nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc khi đầu tư vào một nơi nào đó rất quan tâm tới ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, nền kinh tế năng động, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng với nguồn cung dồi dào là sức hấp dẫn với DN FDI. Đặc biệt là môi trường kinh doanh.
Môi trường kinh doanh ở đây bao gồm sự ổn định chính trị - xã hội; quy định pháp luật thông thoáng, minh bạch và cơ chế thực thi pháp luật hiệu quả. Hệ thống pháp luật của Việt Nam còn có những vướng mắc, nhưng cơ bản môi trường kinh doanh ở Việt Nam vẫn là điểm cộng, được các nhà đầu tư đánh giá cao.
Đơn cử như Quyết định của Tập đoàn Lego khởi công xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Bình Dương ngày 3/11/2022 là minh chứng cho việc Tập đoàn không quan tâm đến ưu đãi thuế thu nhập DN.
Vào thời điểm khởi công xây dựng nhà máy, Tập đoàn Lego biết rất rõ Việt Nam sẽ thực thi thuế tối thiểu toàn cầu. Tập đoàn Lego Việt Nam yêu cầu các chính sách của Việt Nam phải rõ ràng; mong muốn Việt Nam hỗ trợ để hoàn tất các thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất; phòng cháy, chữa cháy và tối ưu hóa việc sản xuất điện mặt trời; đồng thời khẩn trương nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng và Logistics.
Xin cảm ơn ông!