Thời trang Việt: Khẳng định chỗ đứng trên thị trường
Thời trang ngoại lấn át
Những cửa hàng thời trang có quy mô lớn, nằm ở vị trí đắc địa trên những con phố hay các trung tâm thương mại lớn đều là những thương hiệu thời trang nước ngoài như Zara, H&M, Mango, Old Navy, Giordano...
Thương hiệu thời trang Zara (Tây Ban Nha) vừa tròn hai năm có mặt tại Việt Nam. Năm ngoái, đơn vị này còn đưa vào thị trường Việt Nam thêm 3 thương hiệu thời trang khác gồm Massimo Dutti, Pull & Bear, Stradivarius. Hay H&M (Thụy Điển) cũng đã làm mưa làm gió tại thị trường tiêu dùng trong nước khi xuất hiện vào năm ngoái. Hãng thời trang Uniqlo (Nhật Bản) đã tuyên bố sẽ có mặt tại Việt Nam vào năm 2019 này. Uniqlo có bước “dọn đường” để tiếp cận thị trường Việt bằng cách mua 35% cổ phần tại chuỗi cửa hàng thời trang nữ Elise tại Việt Nam với giá không được tiết lộ. Thực tế, Uniqlo cũng xác định thị trường Đông Nam Á sẽ giúp công ty tăng trưởng nhanh hơn, vì thu nhập người dân tại đây ngày càng tốt và dự đoán trong 10 năm nữa, tầng lớp trung lưu sẽ tăng cao kéo theo nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc thời trang tăng nhanh.
Các thương hiệu thời trang Việt Nam vẫn phát triển, tăng thị phần trước sức ép cạnh tranh của thương hiệu ngoại |
Theo ông Phạm Thái Bình - Trưởng bộ phận bán lẻ Savills TP. Hồ Chí Minh, việc các thương hiệu thời trang ngoại hoạt động kinh doanh hiệu quả vì chiến lược giá hiệu quả cho đa số NTD dựa trên bệ đỡ các sản phẩm có thương hiệu và kiểu dáng thời trang đáp ứng nhanh xu hướng mới.
Đánh giá của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng cho thấy, mỗi năm tổng nhu cầu thị trường nội địa lên tới 40 triệu bộ quần áo với quy mô 4,5 tỷ USD, tức mỗi năm người Việt chi ra khoảng 100.000 tỷ đồng cho quần áo. Một bộ phận người dân có tâm lý sính ngoại nên thị trường thời trang Việt Nam đang trở thành mảnh đất hấp dẫn cho không ít thương hiệu thời trang ngoại.
Ở khía cạnh khác cũng có thể thấy, sự góp mặt của thương hiệu thời trang ngoại không những tạo nên cuộc cạnh tranh trên thị trường thời trang ngày càng khốc liệt hơn, mà còn tác động tới mặt bằng thiết kế và sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ dệt may. Với dân số đông và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, thị trường thời trang Việt Nam đang trở nên rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Hướng đi mới của DN nội
Chia sẻ với truyền thông tại Tuần lễ Thời trang Thu Đông 2019, Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh cho hay: Gần 20 năm qua, nhiều nhà thiết kế, những thương hiệu vẫn tồn tại đã khẳng định được bản lĩnh, tìm được chỗ đứng và xây dựng phong cách của mình. Đó là một thách thức lớn cho thời trang Việt Nam. Hơn nữa, thị trường thời trang vô cùng đa dạng, không chỉ có nhà thiết kế, không chỉ có các bộ sưu tập mà còn phải có thương hiệu với những ưu điểm, chọn cho mình phân khúc khách hàng phù hợp, theo xu hướng thời trang nhưng vẫn phải tiện dụng trong sử dụng.
Muốn cạnh tranh với các hãng thời trang nước ngoài, doanh nghiệp (DN) thời trang Việt phải đầu tư xây dựng và quảng bá thương hiệu, thiết kế các sản phẩm sao cho phù hợp hơn nữa với nhu cầu của NTD Việt Nam, nhất là giá cả.
Theo ông Quân Ngọc - đồng sáng lập Haberman - hãng thời trang dành cho nam giới: Dù phải gồng mình để cạnh tranh nhưng sự xuất hiện của các nhãn hiệu thời trang quốc tế cũng mang lại cơ hội cho các tên tuổi thời trang Việt. Theo đó, ai cũng mặc đẹp, sẽ cần tới nhiều lựa chọn hơn, nhu cầu mua sắm từ đó cũng sẽ tăng lên. Lúc này, các thương hiệu thời trang dù vẫn chỉ đang ở quy mô nhỏ cũng sẽ được hưởng lợi. Điều quan trọng là DN phải bắt kịp xu hướng thời trang, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, chất liệu phải dễ mặc, giá hợp lý...
Nhiều DN thời trang Việt vẫn đang vươn lên giữ thị phần riêng cho mình như Công ty An Phước - đơn vị mua nhượng quyền thương hiệu Pierre Cardin, vẫn phát triển tốt do định vị phân khúc khách hàng doanh nhân. Đây là đối tượng khách hàng không bị ảnh hưởng xu hướng thời trang và muốn thể hiện đẳng cấp thông qua thương hiệu.
Hay thương hiệu TNG của Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (được biết dưới thương hiệu May Thái Nguyên đã xây dựng đội ngũ thiết kế giỏi, đưa ra mức giá hợp lý vì sử dụng công nghệ may mặc mới như sản phẩm không đường may, đồng thời chọn những dòng nguyên liệu thực sự thân thiện với môi trường nhằm tạo sự khác biệt dành cho khách hàng là giới công sở...
Gần đây, thương hiệu Canifa gặt hái nhiều thành công trên thị trường. Đến nay thương hiệu này hiện có gần 100 cửa hàng lớn nhỏ. Lợi thế giảm chi phí nhờ rút ngắn thời gian từ khâu thiết kế - sản xuất - lên kệ vì nhà máy sản xuất trong nước. Thế nhưng, theo giới chuyên môn, để tồn tại trong ngành công nghiệp thời trang, giá cả không nói lên tất cả mà quan trọng nằm ở sự thay đổi mẫu mã phù hợp.
Theo giới chuyên môn, việc giữ vị thế của các thương hiệu nội là không dễ dàng bởi những hạn chế trong việc nắm bắt xu hướng và thiết kế, không đem lại trải nghiệm phong cách và không thay đổi trong cách quảng bá. Rõ ràng, sự cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài tạo thêm áp lực cạnh tranh để các DN thời trang Việt Nam chú trọng đầu tư bài bản từ thiết kế, sản xuất, phân phối đến marketing. Chỉ những DN xác định hướng đi đúng, nắm vững nhu cầu khách hàng, chịu khó thay đổi và học hỏi mới có thể tiếp tục tồn tại.