Thỏa thuận Xanh châu Âu: Làm chậm bước đi của hàng hóa Việt tận dụng EVFTA?
Doanh nghiệp Việt tiếp cận tích cực hơn những lợi ích của Hiệp định EVFTA |
Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết và đưa vào thực hiện hiệp định thương mại tự do song phương (EVFTA) từ ngày 1/8/2020. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Nhiều cam kết theo Hiệp định EVFTA đã được triển khai và thu được những kết quả phản ánh thông qua các số liệu thống kê vĩ mô về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với EU. Cụ thế, theo thống kê, trong 2 năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 83 tỷ USD với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%. Năm 2021, thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020
Tuy nhiên, những lợi thế đạt được từ EVFTA có thể bị xói mòn phần nào bởi diễn biến hoạch định chính sách trong khu vực EU, nổi bật là Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal). Điều này sẽ đem đến nhiều tác động quan trọng đối với các đối tác thương mại của EU như Việt Nam.
Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM) – một bộ phận quan trọng nhất trong Thỏa thuận Xanh châu Âu. Cụ thể, vào tháng 7/2021, EU đã trình đề xuất về quy định thiết lập Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) như một trong những sáng kiến nhằm thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Mục tiêu của CBAM là giải quyết nguy cơ rò rỉ carbon do các chính sách khí hậu thiếu chặt chẽ của các quốc gia không thuộc EU, đồng thời bổ trợ cho Cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải của EU (EU-ETS).
Các chứng chỉ CBAM sẽ được cấp cho các nhà nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải tích hợp trong sản phẩm mà họ nhập khẩu vào EU và có giá bằng hạn ngạch ETS.
Theo đề xuất ban đầu CBAM sẽ được áp dụng cho một số mặt hàng trong các lĩnh vực: sắt, thép, nhôm, xi măng, phân bón, điện và có khả năng mở rộng ra cả hydro, hóa chất hữu cơ, nhựa và ammonia.
Các doanh nghiệp sản xuất xi măng có sản phẩm xuất khẩu vào EU sẽ phải chịu tác động từ qui định CBAM của EU |
Đề xuất đang ở giai đoạn cuối cùng của quy trình pháp lý khi Hội đồng và Nghị viện EU thông qua vào năm 2022. Giai đoạn chuyển tiếp dự kiến bắt đầu vào năm 2023 và có hiệu lực vào tháng 01/2026.
Tuy nhiên, ngày 13/12/2022 vừa qua, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ thực hiện Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ carbon cao và có lượng khí khải carbon cao, chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Dự kiến, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM vào tháng 10/2023.
Tuy nhiên, theo Hiệp định EVFTA đã ký kết giữa Việt Nam và EU, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào EU như: Thép, xi măng, sắt, phân bón sẽ còn 3 năm để chuẩn bị khi mà tháng 01/2026 Cơ chế CBAM sẽ có hiệu lực với hàng hóa của Việt Nam.
Theo đại diện Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, ông Dương Ngọc Trường - Phó Ban An toàn Môi trường: “Cơ chế CBAM mặc dù nhằm mục đích chống biến đổi khí hậu nhưng sẽ ảnh hưởng và tạo thêm chi phí đáng kể đối với các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Hiện để giảm phát thải khí nhà kính nhiều doanh nghiệp ngành xi măng gặp khó khăn trong quá trình triển khai các dự án chuyển đổi công nghệ không chỉ về mặt vốn mà còn cả về mặt chính sách”.
Cụ thể, đối với dự án nhiệt khí thải phát điện chỉ được triển khai khi có bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực của địa phương, trình tự thủ tục xử lý của một số sở, ban, ngành có liên quan tại các địa phương phải qua nhiều bước và cần nhiều thời gian để hoàn thành... là những khó khăn cần được tháo gỡ cho các doanh nghiệp.
“Đối với phương pháp Đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng, với lượng rác thải chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đồng thời, chất lượng rác thải (kích thước và yêu cầu kỹ thuật) không ổn định, phải thu mua rác từ nhiều nguồn (chưa có hỗ trợ từ Nhà nước) nên mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng nhiên liệu thay thế thế các dây chuyền sản xuất gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó doanh nghiệp phải đầu tư thêm hệ thống kho, bãi chứa và hệ thống xử lý nguyên, nhiên liệu thay thế để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trước khi đưa vào sử dụng”, ông Dương Ngọc Trường cho biết thêm.
Trong khi đó, bà Sirpa Jarvenpaa – Giám đốc Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) - cho biết: “Năm 2021, EU đã đề xuất cơ chế điều chỉnh biên giới carbon nhằm giảm bớt rò rỉ CO2. Như vậy các quốc gia có sản phẩm xuất khẩu sang EU cần có chính sách định giá carbon để tăng tốc độ giảm phát thải khí nhà kính. Việc thực hiện cơ chế này gặp nhiều khó khăn do mục tiêu chính hướng tới các quốc gia nằm ngoài EU trong đó có Việt Nam”.
Chia sẻ về vấn đề trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - cho rằng: Đối với Việt Nam, trên cơ sở nhận thức và bước đi nêu trên, ít nhất hai khía cạnh cần được lưu ý từ góc độ cơ quan nhà nước. Thứ nhất, để hài hòa với biện pháp của EU nhằm bảo vệ lợi ích xuất khẩu của Việt Nam, ta cần nỗ lực thiết lập hệ thống theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đúng lộ trình đã đề ra, đặc biệt là cho giai đoạn 2026-2030. Thứ hai, Việt Nam cần phối hợp với các Thành viên WTO tại kênh đa phương, nhiều bên và tăng cường đối thoại với EU qua kênh song phương để đảm bảo EU có cơ chế thích đáng công nhận chi phí carbon có tính đến điều kiện cụ thể của từng quốc gia, đặc biệt của Việt Nam. Đồng thời, từ góc độ doanh nghiệp, việc nâng cao nhận thức về nỗ lực giảm phát thải carbon và xây dựng hệ thống hồ sơ liên quan cần tiếp tục cải thiện, để doanh nghiệp không bị động khi CBAM của EU đi vào thực hiện đầy đủ từ năm 2027.
“CBAM có thể làm chậm bước đi của doanh nghiệp muốn tận dụng EVFTA trong khoảng thời gian này nhưng nếu chúng ta tuân thủ và có kế hoạch, lộ trình chuẩn bị và thực thi tốt thì chúng ta sẽ đạt được những lợi ích to lớn về sau. Giảm phát thải khí nhà kính vừa là xu hướng vừa là yêu cầu mà các doanh nghiệp phải thực hiện nếu Việt Nam muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu”, ông Phạm Văn Tấn khẳng định.