Thị trường thực phẩm chức năng: Dự báo đạt 210,3 tỷ USD vào năm 2026
Thuốc và thực phẩm chức năng giả: Hệ luỵ và những giải pháp | |
Chấn chỉnh quảng cáo thực phẩm chức năng, giải quyết căn cơ tình trạng y bác sĩ thôi việc |
Tăng trưởng chóng mặt…
Phát biểu tại Hội thảo Thuốc và thực phẩm chức năng giả: Hiện trạng và giải pháp do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam – cho biết: Trong khoảng gần ba mươi năm trở lại đây, trên thế giới, thị trường thực phẩm chức năng đã phát triển mạnh mẽ.
Theo thông tin Reports and Data đưa ra vào năm 2018, thị trường thực phẩm chức năng toàn cầu có giá trị lên tới 124,8 tỷ USD và dự kiến tăng trưởng tới 6,4% mỗi năm, đạt mức 210,3 tỷ USD vào năm 2026.
Thị trường thực phẩm chức năng dự kiến tăng trưởng 6,4% mỗi năm, đạt mức 210,3 tỷ USD vào năm 2026 |
“Từ chỗ chỉ có vài sản phẩm cuối thế kỉ XX, đến năm 2020, số lượng thực phẩm chức năng trên thị trường đã đạt trên 7.000 sản phẩm với sự tham gia của khoảng 3.500 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh” – ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin và cho biết, mới có mặt tại Việt Nam trong khoảng gần 20 năm trở lại đây nhưng thực phẩm chức năng đã phát triển rất nhanh, với hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, làm cho thị trường trở nên phong phú. Dự báo, thị trường thực phẩm chức năng ở Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm.
Không những thế, thực phẩm chức năng đã phát triển mạnh về số lượng mặt hàng cả sản xuất trong nước và nhập khẩu. Kể cả khi nhiều ngành kinh tế thế giới đình đốn do dịch Covid - 19 thì ngành thực phẩm chức năng tuy có bị ảnh hưởng nhưng vẫn tăng trưởng. Do có lợi cho sức khỏe mà thực phẩm chức năng mang lại, như: Làm tăng hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng, hỗ trợ điều trị các bệnh mãn tính, nên thực phẩm chức năng ngày càng được nhiều người tiêu dùng trên thế giới cũng như tại Việt Nam sử dụng.
Theo số liệu từ cơ quan quản lý, có khoảng 30.000 sản phẩm thực phẩm chức năng được cấp phép lưu hành. Trong đó, hơn 70% số thực phẩm chức năng tiêu thụ tại Việt Nam là hàng sản xuất trong nước, còn lại hơn 20% còn lại là hàng nhập khẩu.
“Nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất. Đây cũng là mảnh đất hấp dẫn cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả” - ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm.
Phát triển nhanh, nhưng tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc và thực phẩm chức năng giả thời gian gần đây gia tăng nhanh chóng và diễn ra dưới nhiều hình thức |
… nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Phát triển nhanh, nhưng tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc và thực phẩm chức năng giả thời gian gần đây gia tăng nhanh chóng và diễn ra dưới nhiều hình thức, quy mô, tính chất khác nhau. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, cơ quan chức năng đã phát hiện có vụ hàng trăm thùng thực phẩm chức năng, nhãn ghi xuất xứ tại Mỹ, nhưng thực tế sản xuất tại tỉnh Hải Dương. Hay như có trên 3.780 lọ thực phẩm chức năng dạng viên nang, ghi nhãn mác sản xuất tại Mỹ, nhưng thực tế là sản xuất tại Trung Quốc.
Trên thị trường hiện có nhiều loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ghi nhãn theo quy định vẫn được bày bán công khai. Trong khi đó, theo quy định, đối với thực phẩm chức năng có chứa hoạt chất sinh học, nếu công bố sản phẩm có tác dụng hỗ trợ chức năng trong cơ thể người, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật thì phải có báo cáo thử nghiệm lâm sàng về tác dụng của sản phẩm hoặc tài liệu chứng minh về tác dụng của thành phần của sản phẩm có chức năng đó hoặc giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước sản xuất hoặc nước cho phép lưu hành có nội dung xác nhận công dụng của sản phẩm ghi trên nhãn. Trên thực tế, người tiêu dùng khó tiếp cận những thông tin đó.
Điều đáng lo ngại nữa là việc quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay, nhiều loại thực phẩm chức năng được quảng cáo như “thần dược”, nhưng để né tránh quy định của pháp luật, khi quảng cáo vẫn đọc, trên nhãn vẫn ghi “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, chỉ lướt qua, trong khi trước đó đã quảng cáo về công dụng chữa bệnh. Có thể nói, những quảng cáo gây nhầm lẫn, không phải hiếm gặp.
Để quản lý thị trường thực phẩm chức năng, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, cần tập trung 3 giải pháp, bao gồm. Thứ nhất, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác hậu kiểm, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm; Thứ hai, yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, vì sự phát triển bền vững của chính mình, cần bảo đảm các quyền của người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó là quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản; quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ; quyền được lựa chọn; quyền được góp ý về giá cả, chất lượng hàng hóa; quyền được bồi thường thiệt hại; quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng.
Thứ ba, người tiêu dùng chỉ nên mua thực phẩm chức năng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, để tránh mua phải hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng; cần có tư vấn khi sử dụng. Thông tin cho cơ quan nhà nước có liên quan khi phát hiện thực phẩm chức năng lưu thông trên thị trường không bảo đảm an toàn, có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.