Thị trường chứng khoán tuần qua: Trên đà phục hồi mạnh mẽ trở lại
Bất động sản tăng tốt, ngân hàng phân hóa mạnh
Chứng khoán tuần qua 30/10 - 3/11, kết thúc tuần VN-Index phục hồi tăng 1,52% lên mức 1.076,78 điểm với khối lượng giao dịch cải thiện nhẹ. HNX-Index có diễn biến tương tự kết thúc tuần ở mức 217,75 điểm vẫn giảm nhẹ 0,10% so với tuần trước.
Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, thị trường chứng khoán trong tuần thanh khoản trên HOSE đạt 67.983,41 tỷ đồng, giảm 3,44% so với tuần trước, khối lượng giao dịch tăng nhẹ, một số mã trong VN30 có khối lượng tăng đột biến như MWG, HDB. Thanh khoản tại HNX giảm 5,1% với 8.718,72 tỷ đồng được giao dịch.
Áp lực bán ròng nhiều cổ phiếu trong VN30, nhất là nhóm bán lẻ là điểm nhấn nổi bật trong tuần, trong đó nhiều mã chịu áp lực bán mạnh đã phục hồi tốt như MSN (+10,55%), trong khi đó MWG (-7,26%) dù phục hồi trở lại trong 02 phiên cuối tuần những vẫn giảm khá mạnh, DGW (-3,60%), PET (-3,18%) cũng tiếp tục giảm.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu xây dựng, vật liệu xây dựng lại có điểm nhấn tích cực hơn khi nhiều mã tăng giá tốt, thu hút dòng tiền, thanh khoản gia tăng trên mức trung bình như NNC (+8,81%), CII (+7,28%), CTD (+4,93%), HHV (+3,57%), FCN (+3,20%)... ngoài các mã vẫn giảm điểm với C69 (-13,16%), CTI (-8,33%), HBC (-4,83%), DHA (-3,71%), VLB (-2,17%).
Các cổ phiếu bất động sản cũng có tuần giao dịch tích cực, thanh khoản cải thiện với đa số tăng điểm tốt, một số mã đột biến với NVL (+9,40%), CEO (+7,88%), SJS (+7,32%), DIG (+5,44%)... ngoài các mã vẫn giảm giá so với tuần trước như NLG (-5,60%), TDC (-5,49%), PDR (-3,84%), NTL (-2,45%).
Trong khi các cổ phiếu ngân hàng phân hóa hơn, đa số giao dịch với thanh khoản suy giảm dưới mức trung bình, một số mã có diễn biến tích cực, thanh khoản cải thiện tốt như OCB (+11,20%), MSB (+8,13%), NAB (+7,52%), HDB (+6,38%)... ngoài các mã giảm giá SSB (-4,89%), VAB (-4,35%), VPB (-1,98%).
Xét theo mức độ đóng góp, VPB, SSB và FPT là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Trong đó, tính riêng VPB đã lấy đi gần 1 điểm của chỉ số này. Ở chiều ngược lại, TCB, SAB và MWG là những mã có tác động tích cực nhất. TCB đã bù lại hơn 1.5 điểm cho chỉ số.
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch và mua ròng với giá trị 197,02 tỷ đồng trên HOSE, mua ròng khá đột biến trên HNX với giá trị 415,87 tỷ đồng, trong đó nổi bật đột biến ở cổ phiếu SHS (283 tỷ đồng).
Chứng khoán tuần qua: Trên đà phục hồi mạnh mẽ trở lại |
Chính sách tuần qua
Trong tuần thị trường trong nước đón nhận nhiều thông tin CPI tháng 10/2023 tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước. Bình quân 10 tháng năm 2023, CPI tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,38%. Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 557,95 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước; Chỉ số PMI của ngành Sản xuất Việt Nam vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 10, với PMI giảm về mức 49,6 so với 49,7 điểm của tháng 9. Kết quả này cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất suy giảm tháng thứ hai liên tiếp.
Thị trường thế giới đón nhận thông tin, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhất trí giữ lãi suất chuẩn trong phạm vi 5,25% đến 5,5% từ tháng 7 đến nay. Đây là lần thứ 2 liên tiếp mà FOMC đưa ra quyết định này. Tuy vậy vẫn còn duy trì ở mức cao và chưa rõ về lộ trình giảm.
Ngân hàng Trung ương Anh tiếp tục giữ lãi suất ở mức 5,25%. Lãi suất cao kỷ lục trong vòng 15 năm qua được giữ nguyên cho thấy Anh tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận kiểm soát lạm phát bằng cách giữ chi phí vay ở mức cao hiện nay cho tới khi lạm phát giảm. Ngày 2/11, Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất 5,25% đồng thời cho rằng vẫn cần thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt trong một thời gian bất chấp triển vọng kinh tế ảm đạm.
Những bất ổn địa chính trị trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp khiến cho giá năng lượng khó lường trong khi mùa đông đang tới gần qua đó có thể tác động tới tình hình lạm phát toàn cầu. Với tình trạng vĩ mô hiện tại nếu thị trường tìm đến điểm cân bằng và tạo nền tích lũy chờ động thái chuyển động vĩ mô tiếp theo cũng là vận động phù hợp.