Thị trường chứng khoán tuần qua chịu tác động bởi những yếu tố nào?
Chứng khoán tuần qua ghi nhận, chỉ số VN-Index có 2 phiên tăng điểm và 3 phiên giảm điểm. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 38,9 điểm (-3,26%), xuống 1.154,15 điểm. Trong khi đó, HNX-Index cũng có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tổng cộng cả tuần giảm 6,8 điểm (-2,8%), xuống 236,35 điểm.
Theo thống kê, thị trường chứng khoán trong tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu hóa chất và bất động sản là 2 nhóm ngành chịu ảnh hướng lớn nhất với mức giảm lần lượt là 6.54% và 4.63%.
Nhóm cổ phiếu bị bán mạnh nhất vẫn là cổ phiếu bất động sản, xây dựng với TCH (-14%), NHA (-13,79%), DRH (-12,87%), TDC (-11,69%), NBB (-11,29%), CEO (-10,88%).
Các cổ phiếu công ty chứng khoán phần lớn cũng giảm điểm với VIX (-11,27%), WSS (-10,39%), PSI (-8,57%), VDS (-7,65%), VND (-6,85%) ... và chỉ một vài cái tên nhích lên là FTS (+8,21%), BSI (+5,26%), MBS (+4,59%) .
Giao dịch của khối ngoại vẫn là điểm trừ trong phiên cuối tuần khi liên tục đẩy mạnh bán ròng xuyên suốt phiên với thanh khoản 509 tỷ, tập trung bán CTG, HPG, VCI. Kết tuần, VN Index giảm 38.90 điểm, tương đương với 3.26% so với tuần trước, xuống 1154.15.
Thị trường thế giới chứng kiến đà giảm mạnh trong tháng và quý vừa qua. Cụ thể, S&P 500 sụt 4.9% trong tháng 9 và giảm 3.7% trong quý 3. Nasdaq Composite lao dốc 5.8% trong tháng này và sụt 4.1% trong quý 3. Cả 2 chỉ số đều ghi nhận tháng giảm mạnh nhất trong năm nay. Còn Dow Jones mất 3.5% trong tháng 9 và giảm 2.6% trong quý này. Dow Jones và S&P 500 lần lượt giảm 1.3% và 0.7% trong tuần, trong khi Nasdaq Composite nhích 0.06%.
Những yếu tố nào tác động lên chứng khoán tuần qua. Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Việc thị trường liên tục giảm điểm cho thấy tầm ảnh hưởng của lớn các chính sách trong nước và quốc tế.
Nổi bật là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bỏ phiếu quyết định giữ nguyên mức lãi suất cao nhất trong 22 năm. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế lãi suất có thể được nâng lên một lần nữa vào quý tới. Theo nhiều chuyên gia, việc này là đi ngược với kỳ vọng của giới đầu tư Mỹ và toàn cầu, dẫn tới việc thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới giảm điểm.
Quỹ ETF trái phiếu dài hạn lớn nhất thế giới vừa chứng kiến đợt giảm kỷ lục khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, quỹ ETF trái phiếu chính phủ Mỹ có kỳ hạn 20 năm trở lên với tổng trị giá 39 tỷ USD, đã giảm 48% so với mức cao nhất mọi thời đại năm 2020 và đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ năm 2011. Dữ liệu của IHS Markit Ltd. cũng cho thấy vị thế bán đối với quỹ này đã tăng lên, với tỷ lệ bán khống đang ở mức cao nhất một tháng.
Tại Việt Nam, trong phiên 28/9, Ngân hàng Nhà nước hút về 20.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, lãi suất trúng thầu cao nhất kể từ đầu đợt phát hành. Tổng cộng 6 phiên giao dịch gần đây, Ngân hàng Nhà nước hút gần 90.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.
Hoạt động bơm, hút tiền qua kênh tín phiếu là nghiệp vụ thông thường của Ngân hàng Nhà nước tác động đến lượng tiền trên thị trường liên ngân hàng (nơi các nhà băng cho vay lẫn nhau), không lưu thông trên thị trường dân cư. Lần gần nhất nhà điều hành hút tiền qua kênh tín phiếu là vào tháng 2 năm nay với tổng quy mô hút gần 400.000 tỷ đồng trong một tháng.