Thị trường bất động sản: Những kịch bản cho 6 tháng cuối năm
Không để xảy ra tình trạng ‘bong bóng’ bất động sản trên địa bàn Hà Nội Doanh nghiệp bất động sản vẫn khó tiếp cận nguồn vốn Chuyên gia hiến kế tháo gỡ vướng mắc, xốc lại thị trường bất động sản |
3 luật có tác động trực diện tới sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn tới đây có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 thay vì ngày 1/1/2025 là Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Theo các chuyên gia, điều này có nghĩa là trạng thái “chờ nghỉ” của thị trường bất động sản sẽ được rút ngắn 5 tháng. Đây có thể nói là một đột phá hiếm có của yếu tố thể chế góp phần thúc đẩy thị trường kịp thời tăng tốc. Chưa khi nào thị trường bất động sản nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan nhà nước như vậy, nhất là lại có thêm Nghị định số 71/2023/NĐ-CP của Chính phủ về giá đất sẽ được áp dụng cùng thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực.
Đáng chú ý các cơ chế được quy định trong Luật Đất đai mang tính mở rộng đối tượng tham gia thị trường bất động sản hơn, mang tính thị trường hơn mà cũng chính quy hơn đặc biệt là với các giao dịch. Đây có thể nói là những xung lực mới rất mạnh thúc đẩy thị trường phát triển hơn. Bên cạnh đó theo các chuyên gia, thời gian qua tuy thị trường bất động tuy có trồi sụt song có thể thấy thị trường cũng đã tích luỹ được nguồn lực, đặc biệt là từ năm 2022 trở lại đây đủ để phục hồi cho giai đoạn tới, đủ để đưa thị trường vào vùng tăng trưởng.
Thị trường bất động sản được coi là bắt đầu đi vào vùng tăng trưởng. Ảnh minh hoạ. |
Trong bối cảnh đó, có thể đưa ra 3 kịch bản cho thị trường bất động sản các tháng cuối năm 2024. Ở kịch bản đầu tiên là thị trường đi ngang, thể hiện việc thị trường chuyển từ chế độ chờ sang chế độ thực thi. Các diễn biến có thể vẫn nằm trong dự kiến của doanh nghiệp song với mức độ tích cực hơn.
Ở kịch bản thứ hai, thị trường đi vào vùng tăng trưởng và bắt đầu có tăng trưởng song không mang tính “bùng nổ”. Các chuyên gia đánh giá, kịch bản này khả năng xảy ra không phải là cao song cũng không quá thấp.
Với kịch bản thứ ba, thị trường không chỉ tăng trưởng mà còn “bùng nổ”, đặc biệt là do cộng hưởng từ các yếu tố như kinh tế vĩ mô tăng trưởng tích cực, các nhà đầu tư nước ngoài đồng loạt tìm đến Việt Nam và đặc biệt là những hiệu ứng tích cực đến từ việc 3 luật nói trên. Tuy nhiên ở đây do vẫn thiên về những yếu tố mang tính kỳ vọng nên khả năng xảy ra của kịch bản này tuy vẫn có thể nhưng khả năng là không cao.
Sự tăng trưởng của thị trường bất động sản những tháng tới đây vẫn đang đòi hỏi nhận diện rõ các rủi ro đặc biệt là các rủi ro về thị trường và đối tác. Với rủi ro thị trường, cần có các động thái củng cố tâm lý cho các nhà đầu tư. Với rủi ro về đối tác, có thể nhận thấy các chủ thể tham gia thị trường không phải đều vượt qua khó khăn ở mức độ như nhau. Các rủi ro nói ở đây tuy mức độ được kỳ vọng là sẽ giảm thiểu nhưng vẫn cần được nắm bắt.
Từ những nhận định nêu trên có thể thấy, yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục phát triển chính là yếu tố thể chế. Cụ thể, các cơ quan chức năng cần tập trung xây dựng và ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Đối với các chủ thể tham gia thị trường bất động sản, từ những “sở trường, sở đoản” của mình bộc lộ thời gian qua cần có những cân nhắc tối ưu về thời điểm, địa điểm và liều lượng đầu tư.
Một vấn đề nữa là thông tin trên thị trường bất động sản đã đến lúc rất cần sự minh bạch, khách quan, không tạo sóng, cũng không tạo kỳ vọng “ảo” để gây nhiễu loạn thị trường.