Tết ông Công ông Táo bắt nguồn từ đâu, mâm cúng đầy đủ gồm những gì?
Rực đỏ làng cá chép cúng ông Công ông Táo Mâm lễ cúng ông Công, ông Táo trang trọng cần lưu ý điều gì? Chợ dân sinh nhộn nhịp ngày lễ ông Công ông Táo |
Nguồn gốc ngày lễ ông Công ông Táo
Tích ông Công ông Táo bắt nguồn từ Trung Quốc, gồm 3 vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ. Nhưng khi du nhập vào nước ta, sự tích này được Việt hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà" bao gồm vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp - còn gọi chung là ông Công ông Táo.
Trong đó, mỗi người cai quản, phụ trách một lĩnh vực, ông Công sẽ cai quản đất đai trong một gia đình, còn ông Táo sẽ cai quản chuyện bếp núc.
Theo quan niệm dân gian, ông Công ông Táo không chỉ trông coi, cai quản các hoạt động trong gia đình, nắm bắt được những chuyện tốt xấu trong sinh hoạt của cả gia đình mà còn ngăn cản sự xâm nhập của những "thế lực" xấu làm ảnh hưởng đến tổ ấm, giữ bình yên cho các thành viên trong nhà.
Nguồn gốc ngày lễ ông Công ông Táo. Ảnh minh họa |
Cứ đến ngày 23 tháng Chạp (tức ngày 23 tháng 12 âm lịch) hàng năm, ông Công ông Táo sẽ lên dự hội Thiên đình để báo cáo với Ngọc Hoàng những công việc của gia chủ trong năm vừa qua, dân gian hay gọi là lên chầu trời. Sau khi báo cáo xong, các vị này sẽ nhận chỉ thị của Thiên đình và đến ngày cuối cùng của năm cũ sẽ về lại gia đình mình cai quản.
Do đó, vào ngày 23 tháng Chạp, mọi gia đình đều sắp mâm lễ cúng ông Công ông Táo với mục đích tiễn đưa Táo quân về chầu trời, cúng gia tiên, nên ngày này còn gọi là "Tết ông Công". Lễ cúng ông Công ông Táo là dịp để mỗi gia đình thờ cúng lên vị thần này, cầu mong sự ấm no, đủ đầy, yên bình trong năm mới.
Mâm cúng ông Công ông Táo đầy đủ gồm những gì?
Theo đó, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cơm và đồ lễ thịnh soạn để tiễn ông Táo về trời. Tùy theo phong tục tập quán mà mỗi vùng miền, địa phương sẽ có những nghi thức cúng ông Công ông Táo khác nhau và cách chuẩn bị mâm cơm cúng khác nhau.
Mâm cơm cúng thường bao gồm: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 3 chén rượu, 1 con gà luộc (để nguyên con hoặc chặt bày đĩa), 1 bát canh mọc hoặc canh măng, 1 đĩa xào thập cẩm,1 đĩa giò lụa (hoặc chả quế) và 1 đĩa xôi gấc (hoặc bánh chưng).
Mâm cúng ông Công ông Táo tùy thuộc vào mỗi vùng miền, địa phương. Ảnh: Bnews |
Đặc biệt, không thể thiếu cá chép làm đồ lễ. Người ta quan niệm rằng cá chép là phương tiện di chuyển của Táo quân về trời. Tùy vào từng địa phương và hoàn cảnh mà có thể sử dụng cá chép sống hoặc cá chép giấy đều được. Sau khi thực hiện nghi thức cúng xong, người dân sẽ đem cá chép phóng sinh ở ao hồ, sông... với ý nghĩa đưa ông Táo về trời.