Tập trung gỡ nút thắt thể chế cho phát triển ngành năng lượng Việt Nam
Đối thoại An ninh năng lượng Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 4 Chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên: Bài học Nhật Bản 1969 và khát vọng tự chủ năng lượng Việt Nam |
“Diễn đàn Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam” do Báo điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.
Năm 2023 được xem là mốc thời điểm quan trọng trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng Việt Nam, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, là một trong những ưu tiên và nhu cầu hàng đầu hiện nay. Việt Nam thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như: Điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển và khí sinh học biogas bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có như: Điện khí tự nhiên hóa lỏng, thủy điện và điện than.
Đây cũng là vấn đề có tính thời sự, đang được Phiên họp 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cập ở nội dung giám sát Chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.
Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ cho rằng, để tận dụng được hết tiềm năng vốn có thì nước ta rất cần có những chính sách khuyến khích để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng.
“Ngành năng lượng Việt Nam trong những năm gần đây phát triển mạnh trong tất cả các khâu: Thăm dò, khai thác, sản xuất, truyền tải, phân phối và xuất nhập khẩu năng lượng. Điều đó góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, quy mô và hiệu quả ngành năng lượng còn thấp, trạng thái an ninh năng lượng Việt Nam chưa được bảo đảm, hiện tượng “sa thải phụ tải điện” xảy ra thường xuyên vào kỳ cao điểm. Dự trữ dầu quốc gia chưa đủ khả năng bình ổn giá khi xảy ra khủng hoảng giá dầu trên thị trường quốc tế”, ông Đỗ Tiến Sỹ nói.
Quang cảnh Diễn đàn |
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Hoàng Việt Dũng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) nêu nhận định trong tương lai, các nguồn năng lượng sơ cấp sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, cần rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, Việt Nam cũng cần nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
Ông Vương Quốc Thắng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, mặc dù nước ta có nguồn năng lượng tương đối đa dạng song mức sản xuất và tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người còn tương đối thấp. Nhu cầu năng lượng tăng cao gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Nguy cơ thiếu điện vẫn hiện hữu nếu không có các giải pháp hữu hiệu và kịp thời. Nguồn cung xăng dầu còn bị động, thiếu hụt và dễ tổn thương từ các tác động bất lợi từ bên ngoài.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nêu vấn đề chính sách phát triển năng lượng ở Việt Nam cần quan tâm đến cả phía cầu lẫn phía cung. Ở phía cầu, theo TS Thành, đó là vấn đề tiết kiệm năng lượng và các chính sách này phải đi được vào cuộc sống với việc có những chế tài cùng việc thúc đẩy cả hệ thống chính trị cùng tham gia tiết kiệm năng lượng.
Còn ở phía cung đó là các chính sách liên quan đến vốn, nhân lực và công nghệ. Mục tiêu phát triển năng lượng đã rõ song làm sao để có thể chuyển đổi được năng lượng để nền kinh tế theo ông Thành “có thể chịu đựng được”.
“Chúng ta làm chính sách trong môi trường rủi ro về địa chính trị, rủi ro về biến đổi khí hậu, rủi ro về công nghệ, bởi vậy chính sách phải đủ linh hoạt cũng như đủ khả năng tiên liệu được”, ông Thành lưu ý.