Tạo giá trị độc đáo, nâng cao sức cạnh tranh trong thị trường xuất khẩu trực tuyến
Xuất khẩu trực tuyến sẽ là động lực tăng trưởng mới Cơ hội xuất khẩu trực tuyến ''sải cánh'' từ lợi thế các FTA thế hệ mới |
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về những giải pháp, kinh nghiệm trong triển khai, thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và xuất khẩu trực tuyến nói riêng tăng trưởng trong thời gian tới.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã rất tích cực cùng các đơn vị, doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại qua thương mại điện tử xuyên biên giới, bà có thể cho biết những kết quả đã đạt được?
Xuất khẩu trực tuyến hay thương mại điện tử xuyên biên giới hiện nay đang là một chủ đề được xã hội quan tâm. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong những năm qua đã triển khai hoạt động này hiệu quả và có những bài học đáng giá như tiếp cận được thị trường quốc tế một cách dễ dàng, mở ra cơ hội xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Xoá bỏ rất nhiều rào cản, khoảng cách so với thương mại truyền thống.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số |
Có thể thấy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã có sự tích cực, chủ động tham gia thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới và đã đem lại nhiều lợi ích và cơ hội cho các doanh nghiệp như được tiếp cận thị trường rộng lớn, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất khẩu trực tuyến, Bộ Công Thương đã giao cho Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Amazon Global Selling Việt Nam ký biên bản thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” tại Việt Nam trong 5 năm từ 2022 đến 2026 với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực về thương mại điện tử xuyên biên giới cho dự kiến 10.000 doanh nghiệp.
Sau 3 năm triển khai đã tổ chức thành công 13 khoá học tại 10 tỉnh thành trên cả nước với sự tham gia của gần 2.000 doanh nghiệp. Theo thống kê trong năm 2023, các doanh nghiệp Việt Nam đã bán ra hơn 17 triệu sản phẩm trên Amazon, giá trị xuất khẩu tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới thông qua các nền tảng B2C như Alibaba và một số sàn thương mại điện tử lớn khác, giúp cho các doanh nghiệp tìm kiếm và kết nối được nhiều đối tác trên toàn thế giới, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tiết kiệm chi phí.
Thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thường xuyên phối hợp cùng các đối tác uy tín tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực trên khắp cả nước.
Bà có thể chỉ ra một số kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia trên thế giới trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trực tuyến?
Khi xem xét xuất khẩu trực tuyến, ta có thể xem xét ở góc độ lớn hơn là thương mại điện tử xuyên biên giới, đây là nội dung được rất nhiều nước thúc đẩy, trong đó có thể kể đến Trung Quốc. Năm 2023, thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc đạt 2,38 nghìn tỷ RMB (tương đương 331 tỷ USD) tăng 15,6%.
Để thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, Trung Quốc đã thực hiện những chính sách, hoạt động cụ thể như sau: Năm 2021, Trung Quốc ban hành kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025. Các khía cạnh chính của kế hoạch tập trung vào việc mở rộng và điều chỉnh thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo đó, Trung Quốc xây dựng những khu thí điểm tổng hợp với hạ tầng, kho bãi, ưu đãi thủ tục hải quan dành cho thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thương mại điện tử đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa |
Xây dựng Sáng kiến Vành đai và con đường, trong đó Trung Quốc xây dựng nền tảng “Silk Road e-commerce” (Con đường tơ lụa thương mại điện tử) kết nối với 30 nước. Nền tảng này không chỉ kết nối về thị trường mà còn hướng tới kết nối và phát triển logistic và tài chính.
Trung Quốc cung cấp mức thuế ưu đãi và đơn giản hóa yêu cầu thủ tục đối với hàng hóa thương mại điện tử xuyên biên giới. Ví dụ: với những sản phẩm nhập khẩu bán cho người Trung Quốc, giá trị giao dịch dưới 5.000 RMB được miễn thuế nhập khẩu và có thể được giảm thuế giá trị gia tăng hoặc thuế thuế tiêu thụ lên tới 30%
Đối với xuất khẩu, Tổng cục Hải quan giới thiệu chức năng thanh toán trực tuyến và tạo thuận lợi cho quy trình thông quan, giúp giảm chi phí cho nhà xuất khẩu.
Ngoài Trung Quốc, chính sách, sáng kiến thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới và tạo thuận lợi cho xuất khẩu trực tuyến cũng được nhiều nước chú trọng. Ví dụ: Nhật Bản đang phát triển nền tảng TradeWaltz cho phép kết nối và truyền các tài liệu điện tử phục vụ xuất khẩu trực tuyến. ASEAN đã kết nối 10 nước qua Hệ thống một cửa và đang tiến tới tích hợp và công nhận thêm các loại chứng từ liên quan đến xuất khẩu.
Dự báo thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Vậy, theo bà, giải pháp nào để doanh nghiệp Việt có thể tận dụng được thời cơ tăng trưởng xuất khẩu trực tuyến?
Để các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMEs) ở Việt Nam có thể tận dụng thời cơ vàng tham gia thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp SMEs nên phát triển một chiến lược thương mại điện tử xuyên biên giới một cách chi tiết và có mục tiêu rõ ràng; đầu tư vào hạ tầng công nghệ, phần mềm quản lý và nhân lực vận hành.
Các doanh nghiệp cũng nên tìm cách tăng cường tiếp cận và thâm nhập vào thị trường quốc tế thông qua việc nắm bắt các xu hướng và yêu cầu của khách hàng quốc tế, cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ và xây dựng lòng tin từ khách hàng quốc tế thông qua đánh giá và đánh giá phản hồi của khách hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đặc biệt, doanh nghiệp cần tạo ra giá trị độc đáo để cạnh tranh trong thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới. Điều này có thể bao gồm việc cải tiến sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình kinh doanh, phát triển sản phẩm có tính sáng tạo hoặc tận dụng các kênh phân phối mới.
Các doanh nghiệp nên đầu tư vào đào tạo và nâng cao nhân lực để nắm vững kiến thức và kỹ năng về thương mại điện tử xuyên biên giới. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên tích cực tham gia các hội thảo hoặc chia sẻ kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nên nắm bắt và tận dụng các chính sách ưu đãi, khuyến khích và hỗ trợ từ phía chính phủ và các tổ chức liên quan.