Hiệp định EVFTA tác động đến chất lượng nguồn nhân lực Việt
Xuất khẩu sang Hà Lan thuận lợi nhờ EVFTA | |
EVFTA mang lại cơ hội xuất khẩu nông sản sang EU bằng thương hiệu Việt |
Tại Việt Nam, EVFTA có hiệu lực vào ngày 01/8/2020, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và 28 nước châu Âu, hứa hẹn sẽ mang đến những cơ hội to lớn cho thị trường xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt mở ra cơ hội việc làm cho hàng vạn lao động.
Chuyên gia về lao động, việc làm Lê Quang Trung chỉ ra, cơ hội để Việt Nam xuất khẩu hàng hoá, sản phẩm sang thị trường EU đang được mở rộng rất lớn. Từ sự sôi động của hoạt động xuất khẩu hàng hóa đồng thời đã tác động tích cực đến vấn đề việc làm và thu nhập của người lao động. Từ yêu cầu cao của thị trường cũng như các quy định trong cam kết với đối tác EVFTA, người lao động trong các lĩnh vực sản xuất có cơ hội nâng cao trình độ của mình để đáp ứng yêu cầu mới. Thực thi EVFTA cũng là cơ hội cho những người lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao và những người lao động được đào tạo có thêm cơ hội việc làm đúng khả năng, trình độ và thu nhập cũng sẽ tương xứng hơn.
Theo ông Trung, EVFTA không chỉ mang lại lợi ích về số lượng việc làm mà còn có khả năng làm tăng tiền lương của người lao động thông qua hoạt động của thị trường hiệu quả hơn và tác động lan tỏa về tiền lương từ các doanh nghiệp FDI.
Ảnh minh họa |
Theo tính toán, mức lương của các doanh nghiệp FDI sẽ cao hơn khoảng gần 1% so với doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, do các nền kinh tế của các nước thành viên EU đều phát triển ở trình độ cao hơn Việt Nam và mang tính bổ sung đối với nền kinh tế Việt Nam, nhập khẩu từ các nước EU phần lớn là không cạnh tranh trực tiếp, nên với một lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, ta có thể xử lý được các vấn đề xã hội nảy sinh do tham gia EVFTA. Đặc biệt, do EVFTA bao gồm cả các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo cách thân thiện với môi trường hơn, giúp tăng trưởng bền vững hơn.
Hiệp định EVFTA dự kiến giúp tăng thêm việc làm khoảng 146.000/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU. Với mức tăng thêm việc làm trong một số ngành dự kiến như sau: dệt may tăng 71.300 (năm 2025) và 72.600 (năm 2030) mức tăng tương ứng so với năm 2018 là 1,2%, 2,3% và 2,4%; ngành da giày có tốc độ tăng việc làm là 4,3% và 3,8% vào các năm 2025 và 2030.
Một số ngành khác cũng có số lượng việc làm tăng cao là vận tải hàng không (1,5% vào năm 2025), vận tải thủy (0,9% vào năm 2025). Tuy nhiên một số ngành sẽ chịu tác động giảm việc làm như ngành lâm nghiệp, khai khoáng, sản xuất lúa gạo với mức giảm từ 0,26 đến 0,36%/năm.
Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, con số này vẫn còn khiêm tốn. Nếu tính cả lao động việc làm trực tiếp và gián tiếp thì bình quân mỗi năm có thể có trên 100 nghìn lao động được tạo ra từ Hiệp định EVFTA nhờ tăng trưởng về xuất khẩu hàng hóa của các lĩnh vực, ngành hàng. Do vậy, nếu tận dụng tốt Hiệp định EVFTA thì Việt Nam sẽ giải quyết tốt vấn đề việc làm cho lực lượng lao động. Điều này cũng đòi hỏi việc đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động đáp úng nhu cầu sản xuất, chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
Bên cạnh đó, EVFTA không đặt ra tiêu chuẩn lao động mà đặt ra các nguyên tắc về lao động liên quan tới hệ thống pháp luật hiện tại, liên quan đến các cam kết của Việt Nam khi tham gia các công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Trong đó, có đề cập tới tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả quyền tự do liên kết, thương lượng, xóa bỏ lao động trẻ em và lao động cưỡng bức, không phân biệt đối xử với lao động tại nơi làm việc.
Cam kết về lao động được quy định tại Điều 3, Chương thương mại và phát triển bền vững của Hiệp hội EVFTA, đưa ra các tiêu chuẩn và thỏa thuận đa phương về vấn đề lao động liên quan đến thương mại. Theo đó, Việt Nam và EU cam kết thúc đẩy phát triển thương mại song song với việc giúp tạo công ăn việc làm bền vững cho tất cả mọi người, đồng thời phê duyệt thực hiện các nghĩa vụ, quy định của các Công ước cơ bản của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO).
Các nguyên tắc và quyền lao động cơ bản được đề cập đến trong Tuyên bố của ILO năm 1998 bao gồm: tự do hiệp hội và công nhận hiệu quả của quyền thương lượng tập thể; loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; bãi bỏ hiệu quả lao động trẻ em; và xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp. Như vậy, các cam kết này sẽ góp phần cải thiện điều kiện làm việc, tái sản xuất sức lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Người lao động sẽ có cơ hội cải thiện các quyền lợi hợp pháp của mình cả về thu nhập tối thiểu, môi trường làm việc và môi trường sống cũng như về cơ hội tham gia hiệp hội và công đoàn, kể cả tìm kiếm cơ hội việc làm mới.
Để thực hiện các cam kết về lao động, cũng như các yêu cầu trong EVFTA, các chuyên gia đề xuất trong thời gian tới các cơ chế chính sách về lao động cần phải tiếp tục cải thiện để phù hợp với bối cảnh. Theo đó, song song với hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, việc triển khai thực hiện hoàn thiên các văn bản luật, văn bản dưới luật, hướng dẫn luật được ban hành hướng dẫn kịp thời.
Trong đó, các doanh nghiệp cũng phải quan tâm đến chế độ đãi ngộ cho người lao động, cần có sự bổ sung quy định kịp thời với các hình thức việc làm mới nhằm đảm bảo quyền lợi, lợi ích của người lao động.
Song song với đó, Nhà nước đẩy mạnh các chương trình, hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, như những chính sách để hỗ trợ cho cả doanh nghiệp (đơn vị sử dụng lao động) và người lao động để đào tạo nâng cao trình độ, giữ chân người lao động, chia sẻ với người lao động khi gặp khó khăn. Còn đối với người lao động cũng cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của doanh nghiệp về tay nghề, kỹ năng trong tình hình mới.