Tăng trưởng tín dụng được dự đoán khó như kỳ vọng
Cổ phiếu bất động sản tăng trần sau thông điệp "mở van" tín dụng của Thủ tướng Nhiều kênh vốn rẻ cho doanh nghiệp, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng Nợ xấu thẻ tín dụng tăng kỷ lục |
Hiện nay, mặc dù đã qua gần hơn nửa chặng đường, ngành ngân hàng mới chỉ thực hiện được 1/3 kế hoạch tăng trưởng tín dụng ngành đề ra, do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Số báo cáo dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến ngày 15/9 đạt gần 12,6 triệu tỉ đồng, tăng 5,56%, nhích nhẹ so với con số 5,33% cuối tháng 8.
Ảnh minh họa |
Theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại đã nỗ lực triển khai các gói tín dụng ưu đãi với mức giảm từ 0,5% - 3%/năm tuỳ đối tượng khách hàng. Mức lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm thêm từ 0,5% - 1,5%/năm trong nửa cuối 2023 đến đầu năm 2024. Tuy nhiên, để kỳ vọng tín dụng tăng mạnh cuối năm nay không dễ và theo giới phân tích, cả năm chỉ có thể đạt mức tăng trưởng 13-14% so với mục tiêu ngành đưa ra 14-15%.
Giám đốc một chi nhánh NHTMCP ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ, nhiều doanh nghiệp vốn là đối tác lâu năm hiện không có nhu cầu vay vốn để sản xuất - kinh doanh và đó chính là lý do hệ thống ngân hàng đang “thừa” tiền. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu do sức cầu giảm, đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp khó khăn nên chưa thể triển khai các kế hoạch sản xuất, kinh doanh mới. Do đó, cầu về vốn của doanh nghiệp khó tăng cao, kể cả mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Ngoài ra, trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, tác động lên hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp nên mức độ rủi ro cũng được đánh giá cao hơn nên ngân hàng rất khó khăn trong quyết định cho vay và không hạ được chuẩn tín dụng nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN - chi nhánh TPHCM cho biết, chỉ còn hơn 3 tháng để thực hiện kế hoạch năm 2023 của nền kinh tế nói chung và của ngành Ngân hàng nói riêng. Đây sẽ là khoảng thời gian mang tính chất thời vụ và yếu tố thị trường dịp Tết Âm lịch sẽ có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ và du lịch. Quá trình này có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng tín dụng, đặt trong mối liên hệ khi tổng cầu tăng sẽ kích thích tổng cung và tác động hiệu ứng chung đến toàn bộ nền kinh tế, đây là quy luật và tính thời vụ chắc chắn diễn ra, chỉ khác nhau về quy mô và mức độ tùy theo từng năm và từng giai đoạn.
Theo dự báo của ông Lệnh, những tháng còn lại của năm 2023, sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, với sự xuất hiện của những điểm sáng về xuất khẩu; về sản xuất công nghiệp, về du lịch, dịch vụ và các thị trường. Đặc biệt là “điểm rơi” chính sách xuất hiện và phát huy tác dụng đã và đang phản ánh trên thực tế bằng chỉ số tăng trưởng tín dụng tháng 8/2023 trên địa bàn TPHCM, với mức tăng trưởng đạt gần 1% so với tháng 7/2023.
Dự báo mức tăng trưởng tín dụng mới của các ngân hàng theo MBS. Ảnh: nguồn CTCK MBS |
Trong khi đó, không ít chuyên gia tài chính lại nhận định tín dụng khó có sự tăng đột biến đặc biệt ở những tháng cuối năm 2023. Hiện ngân hàng đang thừa tiền, cũng đang đau đầu vì tìm mọi cách đẩy vốn ra nền kinh tế, thế nhưng phòng ngừa rủi ro vẫn là mục tiêu hàng đầu khi cho vay vốn nên ngân hàng sẽ khó hạ chuẩn cho vay.
Đơn cử như Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) vừa công bố báo cáo về ngành ngân hàng với nhận định, từ diễn biến thực tế của nền kinh tế, các chuyên gia phân tích của MBS cho rằng nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa phục hồi trong năm 2023. Vì vậy, điều chỉnh giảm tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho hầu hết các ngân hàng đang theo dõi. Mức tăng trưởng tín dụng của năm 2023 được các chuyên gia dự báo ở trong khoảng từ 12-13%.