Tăng trưởng kinh tế năm 2024: Ổn định vĩ mô đi cùng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Việt Nam cần 1 triệu nhân lực công nghệ thông tin để phát triển kinh tế xanh Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh: Nhìn từ kết quả chỉ số PCI 2023 Quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số |
Trên cơ sở phân tích các bối cảnh của kinh tế thế giới năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, báo cáo của VEPR nhìn nhận, năm 2024 nổi lên một số thách thức với kinh tế Việt Nam. Đó là việc trì hoãn cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể làm giảm xuất khẩu và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Xung đột địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng đến xuất, nhập khẩu và sản xuất của Việt Nam.
Cùng đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thị trường, về nhân lực, công nghệ và vốn. Biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn ngày càng gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. Áp lực lạm phát tăng do xu hướng lạm phát trên thế giới vẫn cao và tài chính tiền tệ ở Việt Nam được nới lỏng. Bên cạnh đó, chi phí ở một số lĩnh vực hàng nhập khẩu và dịch vụ công có xu hướng tăng.
“Việt Nam đang duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kiên định với các chính sách cân bằng cán cân vĩ mô và phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, do nguồn lực tài khóa hạn hẹp sau nhiều năm thâm hụt ngân sách, cùng với việc chính sách tiền tệ bị ràng buộc với các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá, Việt Nam không thể theo đuổi các chính sách vĩ mô theo cách tương tự như các nước khác trên thế giới”, báo cáo của VEPR nhận định.
Ổn định vĩ mô vẫn là yêu cầu hàng đầu được đặt ra. (Ảnh minh họa) |
Trước những thực tế trên, theo các chuyên gia, ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo đảm an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động.
Báo cáo của VEPR cũng khuyến nghị 6 chính sách vĩ mô Việt Nam cần thực hiện ngay từ năm 2024.
Thứ nhất, tăng cường giải ngân đầu tư công bảo đảm đúng tiến độ và tập trung, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, để tạo ra một nền tảng vững chắc và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ hai, ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cần cụ thể và khả thi (như chính sách hỗ trợ xuất khẩu khá thành công).
Thứ ba, do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu, cần tiếp tục giảm thuế GTGT trong năm 2024 trong đó cân nhắc mở rộng thêm đối tượng áp dụng. Có thêm chương trình và chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể và cần đi theo hướng hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ, nhất là để định hướng tiêu dùng theo các xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, bảo vệ môi trường góp phần thực thiện cam kết “net zero” vào năm 2050.
Thứ tư, bảo đảm hài hòa, hiệu quả trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng hỗ trợ sản xuất – kinh doanh cho doanh nghiệp nói riêng, thúc đẩy tiêu dùng và phục hồi tăng trưởng nói chung đồng thời vẫn phải bảo đảm an toàn tín dụng của hệ thống tài chính. Thúc đẩy đa dạng hóa các kênh dẫn vốn và đầu tư ngoài tín dụng ngân hàng (nâng cao hiệu quả và tính minh bạch thị trường cổ phiếu, trái phiếu, các kênh dẫn vốn khác gắn với tín dụng xanh, chuyển dịch năng lượng công bằng, cho thuê tài chính...).
Thứ năm, nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời phát huy hiệu quả các hiệp định tự do và khả năng hội nhập, tham gia sâu hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu, gia tăng giá trị nội địa trong các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu từ đó nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh, mức độ đóng góp của xuất khẩu trong nền kinh tế.
Thứ sáu, hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy các yếu tố tạo giá trị gia tăng thực của nền kinh tế số, như công nghệ phần mềm, kinh doanh nền tảng, thương mại điện tử để tạo ra động lực đổi mới sáng tạo, vừa chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng năng suất và hiệu quả lao động, đồng thời đa dạng hóa kênh dẫn vốn cho nền kinh tế.
Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 tăng so với năm 2023, đạt khoảng 5,5 – 6,0%. Đây cũng là kịch bản tăng trưởng được báo cáo của VEPR nhìn nhận. |