Chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh: Nhìn từ kết quả chỉ số PCI 2023
Quảng Ninh 7 năm liên tiếp dẫn đầu Chỉ số PCI Chỉ số PCI: Ghi nhận sự cải thiện của địa phương đứng cuối bảng xếp hạng Đột phá về Chỉ số PCI, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận gửi thư cảm ơn doanh nghiệp |
Sức lan tỏa của chỉ số PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức qua nhiều năm đã thực sự trở thành một yêu cầu đặt ra với nhiều địa phương trong điều hành kinh tế. Việc cải thiện chỉ số này không đơn thuần chỉ là tạo một “thương hiệu” cho các địa phương mà còn cung cấp những cứ liệu thực tiễn, khách quan để các địa phương có dịp “soi” lại các định hướng, phong cách điều hành sẵn có.
Đặc biệt, những địa phương thuộc các nhóm dẫn đầu hiện đang đứng trước áp lực lớn trong việc phải sáng tạo hơn trong việc tạo lập môi trường kinh doanh cũng như duy trì các nỗ lực cải cách khi các địa phương vốn đứng ở các tốp sau trong bảng xếp hạng chỉ số PCI không cam chịu thứ hạng thấp.
Tiếp cận đất đai đang nổi lên là vấn đề khó khăn của doanh nghiệp tại nhiều địa phương. (Ảnh minh họa) |
Từ báo cáo xếp hạng chỉ số PCI năm 2023 có thể thấy, công tác hỗ trợ doanh nghiệp tại các địa phương có chuyển biến tích cực hơn, chi phí không chính thức tiếp tục có chiều hướng giảm, thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những cái hơn mang tính tích cực như trên vẫn có những cái “hơn” khác cũng rất đáng quan ngại, tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho công tác điều hành kinh tế của các địa phương. Đầu tiên và đáng chú ý nhất là khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn ngày càng khó khăn hơn và con số này liên tục tăng trong vòng 5 năm trở lại đây. Hai cái khó khác mang tính đầu bảng với với doanh nghiệp là tìm kiếm khách hàng và biến động của thị trường, biến động của chính sách.
Phân tích về tác động của những khó khăn đang còn ảnh hưởng tới doanh nghiệp tư nhân, đại diện VCCI nhìn nhận, mức độ lạc quan của các doanh nghiệp tư nhân đang có xu hướng giảm dần với việc tỷ lệ doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh đang thấp một cách đáng kể, kể các mức “đáy” nhiều năm trước đây.
Các vấn đề đáng lo ngại của môi trường kinh doanh năm 2023 theo VCCI là tính năng động, tiên phong của đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố chững lại. Tỉ lệ doanh nghiệp cho biết UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp giảm khá mạnh. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cho biết còn có các sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của tỉnh, thành phố.
Cần xốc lại tinh thần năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương là một khuyến nghị thẳng thắn nêu trong báo cáo về chỉ số PCI năm 2023 bởi chỉ số này đang có dấu hiệu giảm sút so với các năm trước cùng việc chỉ tập trung cho việc trì hoãn thực hiện để “xin ý kiến chỉ đạo” hoặc thậm chí là “không làm gì”. Bởi những động thái này của các cấp điều hành địa phương có thể khiến cho doanh nghiệp mất cơ hội vượt qua khó khăn, thách thức và làm giảm hiệu lực quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh đang được Chính phủ triển khai quyết liệt.
Những “phát hiện” không còn mới như trên của báo cáo chỉ số PCI cho thấy tính thực chất trong các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trước sau vẫn là câu chuyện phải làm trong nỗ lực điều hành kinh tế của các địa phương, bởi không còn nghi ngờ gì nữa tính thực chất ở địa phương mới là yếu tố quyết định sự thành bại của các cải thiện, cải cách môi trường kinh doanh mà chúng ta đang hướng tới.
Đặc biệt, đất đai đang nổi lên thành lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp phản ánh khó khăn nhất. Thế nên là điều dễ hiểu khi cơ quan chính quyền các cấp cần tập trung vào đơn giản hoá quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai và cung cấp thông tin minh bạch hơn cho doanh nghiệp.