Quy hoạch tổng thể quốc gia: Càng rõ ràng, cụ thể, càng mang lại hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia |
Tham vấn rộng rãi chuyên gia trong nước và quốc tế
Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai lập ở Việt Nam theo Luật Quy hoạch năm 2017, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030, tập trung vào phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng trên phạm vi cả nước.
Chi phí logistics của Việt Nam cần được kéo giảm trong thời gian tới |
Theo các chuyên gia kinh tế, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch mang tính chất nền tảng, định hướng quan trọng cho những quy hoạch vùng, ngành và lĩnh vực khác. Nhận thức được tầm quan trong đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng - cho biết, trong quá trình lập Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế để hoàn thiện quy hoạch; gửi xin ý kiến các bộ, ngành, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế trung ương và 5 Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia và địa phương trên cả nước.
Trong quá trình lập Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tham khảo nhiều kinh nghiệm quốc tế, trong đó có quy hoạch quốc gia của các nước như Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản – đây là các nước có điều kiện tương đồng và mức độ phát triển cao hơn trong khu vực để tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức lập và nội dung quy hoạch quốc gia ở các nước nêu trên.
Trên cơ sở đó, Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Hội đồng thẩm định đánh giá cao. Phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Văn Thành - cho biết, Hội đồng thẩm định đã phát ra 44 phiếu, tương đương số ủy viên, thành viên của Hội đồng thẩm định. Kết quả bỏ phiếu cho thấy, 100% thành viên, ủy viên nhất trí thông qua hồ sơ quy hoạch.
Trong đó, có 7 phiếu đồng ý thông qua không cần chỉnh sửa, chiếm 16%; 37 phiếu đồng ý thông qua với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung, chiếm 84% số phiếu. Như vậy, hồ sơ quy hoạch đã đủ điều kiện để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội xem xét trong Kỳ họp tháng 10 tới.
Trước những diễn biến bất định của kinh tế thế giới, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần nhận diện rõ hơn, cụ thể hơn những thách thức của kinh tế trong nước, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh nền kinh tế |
Báo cáo càng rõ ràng, hiệu quả với nền kinh tế càng cao
Đánh giá cao nội dung tại Báo cáo Quy hoạch tổng thể Quốc gia được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, tuy nhiên, phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn thẳng thắn chỉ ra những hạn chế mà bản báo cáo cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp diễn ra vào tháng 10 tới.
Cụ thể theo PGS TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia gánh vác một sứ mệnh to lớn trong việc định hướng và tổ chức phát triển quốc gia tổng thể và dài hạn. Báo cáo đã xây dựng và định hình khung khổ phát triển quốc gia ở tầm chiến lược, từ góc độ quy hoạch, trên cơ sở đường lối, chiến lược phát triển đất nước mà Đảng và Nhà nước đã xác định.
Tuy nhiên, xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ lớn, khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ lại được thực hiện trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng chưa từng thấy, rất sâu sắc, mang tính thời đại – căn bản cùng với những diễn biến bất thường, khó dự báo. Theo đó, báo cáo cần đề cập rõ thêm một số điều kiện, yếu tố chiến lược ảnh hưởng đến những cơ hội, thách thức của Việt Nam.
Đặc biệt theo PGS, TS Trần Đình Thiên, đặc điểm địa hình của Việt Nam là có đường biên giới quá dài với nhiều cửa khẩu. Vì thế cần làm rõ hơn những lợi thế cũng như hạn chế của địa hình này, từ đó có cách khai thác hợp lý vào phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế thời gian tới.
Trong khi đó theo GS Lã Ngọc Khuê – nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Chúng ta xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia có một nội dung bao trùm là xây dựng hệ thống phát triển kết cấu hạ tầng trở thành khung cho không gian phát triển quốc gia. Bộ khung ấy từng bước như thế nào và gắn với không gian phát triển như thế nào thì có một chỉ số quan trọng cần đặc biệt quan tâm đó là kéo giảm chi phí logistics. Bởi hiện chi phí logistics của Việt Nam đang rất cao, chiếm đến 20%.
GS Lã Ngọc Khuê phân tích thêm: Quy mô GDP của Việt Nam khoảng 400 tỷ USD, trong đó chi phí logistics đang chiếm 20%, như vậy mất khoảng 80 tỷ USD. Nếu năm 2035, kinh tế Việt Nam có quy mô GDP đạt 1.000 tỷ USD, chi phí logistics vẫn 20% thì sẽ mất đến 200 tỷ USD, đây là con số rất đáng quan tâm.
Theo đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần tập trung rõ hơn vào những vấn đề này và đưa ra những giải pháp để giảm chi phí logistics từ 20% hiện nay xuống còn 17-18% vào năm 2030. Để làm được điều đó, chúng ta cần chú trọng đến hoàn thiện hạ tầng giao thông, triển khai tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam, bởi nếu tuyến đường này đi vào hoạt động sẽ có năng lực thông quan gấp 5 lần đường bộ, như vậy sẽ thay đổi cấu hình giao thông và giảm được chi phí logistics.
Đồng quan điểm về việc, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần rõ ràng, cụ thể hơn về những lợi thế, thách thức Việt Nam đã, đang và sẽ đối mặt. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia cần cụ thể hơn những lợi thế, tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam, của từng vùng, miền và ngành kinh tế trong nước. Bởi càng cụ thể bao nhiêu, chúng ta càng nhận diện rõ những cơ hội và thách thức mà nền kinh tế nói chung và ngành, lĩnh vực có thể đối mặt, từ đó đưa ra những giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Tận dụng tối đa được không gian, cơ hội phát triển.