Tăng cường quản lý thuế lĩnh vực thương mại, dịch vụ
Để chống thất thu thuế hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, Bộ Tài chính đã sửa đổi chính sách theo hướng hộ khoán sử dụng hóa đơn thì nộp thuế khoán riêng, thuế theo hóa đơn nộp riêng (không gộp chung như trước); công khai thông tin hộ nộp thuế khoán để tăng cường giám sát; tăng cường trách nhiệm đối với các cục thuế trong việc kiểm soát quản lý hộ kinh doanh của các chi cục thuế; hướng dẫn chính sách và quản lý thuế đối với thương nhân thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu theo hướng hộ kinh doanh khai thuế theo tháng và phải lưu giữ hồ sơ chứng minh đầu vào hàng hóa nhập khẩu để xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.
Tổng cục Thuế cũng đã có quy trình quản lý thuế với cá nhân kinh doanh, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ phận ở chi cục thuế, trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu riêng tại từng địa bàn để làm cơ sở xác định doanh thu và mức thuế khoán; xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế là hộ kinh doanh và ứng dụng quản lý thuế đối với hộ kinh doanh trên toàn quốc tập trung tại Tổng cục Thuế, làm cơ sở chỉ đạo quản lý trong toàn ngành; xây dựng ứng dụng hỗ trợ quản lý rủi ro đối với hộ kinh doanh đáp ứng việc kiểm tra, kiểm soát của các cục thuế đối với các chi cục thuế, hỗ trợ chi cục thuế lập bộ thuế khoán đối với hộ kinh doanh.
Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện Quyết định 1353/QĐ-BTC ngày 15/6/2016 của Bộ Tài chính về kiểm tra chống thất thu thuế đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, ăn uống, dịch vụ cho thấy, tỷ lệ phát sinh tăng thu sau thanh tra, kiểm tra rất cao.
Trong tổng số 33.633 lượt doanh nghiệp và hộ kinh doanh thực hiện kiểm tra chống thất thu thuế kể từ khi thực hiện Quyết định 1353/QĐ-BTC đến nay, có trên 83% doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải nộp thuế tăng thêm, tổng cộng số thuế tăng thu là 4.891,4 tỷ đồng (truy thu và phạt 1.946,1 tỷ đồng; giảm lỗ, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp là 2.913,1 tỷ đồng); trên 73% số hộ kinh doanh qua kiểm tra, khảo sát phải điều chỉnh tăng doanh thu khoán. Tại các địa phương Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Khánh Hoà, Hải Phòng..., số thuế tăng thu phát sinh sau kiểm tra khá cao.
Để tăng cường chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, pháp luật kế toán và các luật thuế có liên quan theo hướng đơn giản hóa chính sách thuế và chế độ kế toán đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ để khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp; xây dựng nghị định về hóa đơn (sửa đổi) áp dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn trên toàn quốc phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra thuế chống thất thu ngân sách và chống gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng.
Tổng cục Thuế đang tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế để phục vụ tốt hơn công tác quản lý. Trong đó, đã ký quy chế phối hợp với Tổng cục Thống kê chia sẻ thông tin, dữ liệu điều tra thống kê về khu vực kinh tế cá thể phục vụ quản lý thuế; kết nối thông tin với các đơn vị, tổ chức, cá nhân cho thuê mặt bằng kinh doanh, cung cấp điện, nước, viễn thông... để xây dựng dữ liệu đầu vào về hộ kinh doanh phục vụ xác định doanh thu và các mức thuế khoán; xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ làm cơ sở để xác định việc ấn định thuế đối với doanh nghiệp kê khai không đúng thực tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra.
Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch để điều tra, khảo sát, tăng cường trao đổi thông tin nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, lữ hành; tăng cường thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, thương mại, dịch vụ, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng có thương hiệu nổi tiếng, kinh doanh theo chuỗi, cơ sở kinh doanh có nhiều địa điểm hạch toán phụ thuộc; phối hợp với ủy ban nhân dân các địa phương cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp.