Tác hại của rượu bia không chỉ ảnh hưởng tới giao thông
Theo số liệu thống kê mới nhất, Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng vào loại cao trên thế giới (thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia). Đối tượng thường sử dụng rượu, bia rất đa dạng, có đủ các thành phần trong xã hội từ nông dân, công nhân, công chức, trí thức… Đáng chú ý, tỷ lệ người sử dụng rượu, bia ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên và nữ giới ở nước ta đang tăng nhanh và ở mức rất cao.
Tác hại của rượu bia không chỉ ảnh hưởng tới giao thông. Ảnh minh họa |
Một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức hết về tác hại của rượu, bia đến sức khỏe cũng như những ảnh hưởng liên quan của nó đến môi trường sống, kinh tế - xã hội. Đặc biệt, ý thức chấp hành pháp luật về rượu, bia trong thời gian qua vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong quá trình triển khai, thực hiện.
Qua theo dõi tình hình trật tự an toàn giao thông thời gian qua có thể thấy, tình trạng lái xe ô tô, người điều khiển mô tô, xe gắn máy sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Mặc dù Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà cơ thể có nồng độ cồn; song trên thực tế vẫn còn một bộ phận người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu, bia nhưng cố tình vi phạm, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của bản thân và người khác.
Thực tế, tỷ lệ này còn tăng cao trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán, buổi tối, tập trung vào những người điều khiển phương tiện xe cá nhân, thậm chí có cả xe kinh doanh vận tải và hậu quả là những vụ tai nạn giao thông hết sức thương tâm. Đơn cử trong năm 2023, với phương châm xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có ngày nghỉ”, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 770.679 trường hợp người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ mà trong cơ thể có nồng độ cồn (tính trung bình mỗi ngày cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý hơn 2.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn).
Gần đây nhất, theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, chỉ trong 15 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp Tết Giáp Thìn 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý 40.806 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (trung bình mỗi ngày xử lý hơn 2.700 trường hợp vi phạm).
Nhiều ý kiến cho rằng, những nguyên nhân chủ yếu là do hiểu biết của người dân về các tác hại của lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe và đời sống còn chưa đầy đủ, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, đặc biệt tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, do việc tiếp cận với thông tin về mối nguy cơ này còn hạn chế; do phong tục, tập quán, nếp sống gắn liền với bia, rượu...
Tác hại của rượu, bia không chỉ ảnh hưởng tới giao thông mà trước hết trực tiếp sức khỏe của chính người uống. Nếu lạm dụng rượu, bia thì đây sẽ là một chất gây hại, tác động bất lợi trực tiếp và gián tiếp đến hệ thần kinh và nhiều cơ quan của cơ thể như hệ tim mạch, hệ tiêu hóa,.... Rượu, bia có thể gây tổn thương não, hệ thần kinh, gan, tim mạch, hạn chế khả năng tư duy.
Việc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác có thể làm cho người sử dụng dễ bị lệ thuộc, lạm dụng và gây ra hậu quả bất lợi về sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần và các hậu quả xã hội cho cá nhân người uống cũng như những người xung quanh và cộng đồng,…
Ngoài tác hại đến sức khỏe, sử dụng rượu, bia còn là tác nhân gây bạo lực, nhất là bạo lực gia đình, tội phạm, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của những người xung quanh, gia đình và cộng đồng. Đáng nói, rượu, bia còn lấy đi một nguồn tài chính rất quan trọng ở người nghèo, gia đình, cả xã hội; giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3% -12% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả do rượu bia thường cao hơn so với chi phí trực tiếp. Ở Việt Nam hiện nay, chi phí kinh tế cho tiêu thụ bia tương đương gần 3,4 tỷ USD, ước tính gần bằng 3% số thu ngân sách của cả nước (chưa kể đến chi phí gián tiếp).
Như vậy, tác hại của việc sử dụng rượu, bia là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, y tế, giáo dục, giao thông và làm gia tăng các vấn đề xã hội.