Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ và vừa tiệm cận được chính sách?
Khuyến khích khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp
Trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, việc hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất đáng chú ý nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp này, đó là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cụ thể, theo dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ có thể được hưởng mức thuế suất ưu đãi từ 15% đến 17% thay vì mức thuế suất chung 20% như hiện nay. Để được hưởng mức thuế suất này, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về tổng doanh thu trong năm trước liền kề, không quá 50 tỷ đồng.
"Nếu mà theo quy định như thế này thì doanh nghiệp trên 50 tỷ là hầu như không có giảm gì về thuế, có thể mình tăng quy mô doanh thu của doanh nghiệp lên không phải 50 tỷ mà đến 100 tỷ chẳng hạn là được hưởng ưu đãi đó, thì như vậy số doanh nghiệp hưởng thuế suất nhỏ đi tăng lên", TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay.
Lý giải về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, trong tổng số 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, số doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm gần 94%. Những doanh nghiệp này đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này thường gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn và năng lực quản lý.
Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất đáng chú ý nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ. Ảnh: TVPL |
Thực tế thời gian qua, có những thời điểm khó khăn, doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc áp thuế suất thấp hơn so với doanh nghiệp khác. Mặt khác, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định: doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường (điều 10).
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nhiều nước sử dụng chính sách hỗ trợ về thuế như một công cụ thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp quy mô nhỏ; theo đó, doanh nghiệp quy mô nhỏ được áp dụng thuế suất ưu đãi, có thể là mức thuế suất cố định hoặc mức thuế suất lũy tiến theo quy mô thu nhập. Việc áp dụng thuế suất ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là một biện pháp hiệu quả để khuyến khích khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần bổ sung vào Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định áp dụng thuế suất thấp hơn đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, không thể áp dụng chính sách này cho toàn bộ doanh nghiệp nhỏ.
Bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tiệm cận được chính sách?
Trong quá trình góp ý bước đầu cho dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), cộng đồng doanh nghiệp một phần vui mừng với các ưu đãi thuế song cũng lo rằng một số quy định trong dự thảo luật có thể tạo ra rủi ro chính sách.
Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp được xếp vào diện nhỏ và vừa nếu có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng và tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
Với các tiêu chí này, số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đang chiếm tới gần 94% tổng số doanh nghiệp ở nước ta và nếu tính cả số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa thì nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tới trên 97% tổng số doanh nghiệp. Nếu dựa theo các tiêu chí này để xác định đối tượng được áp dụng mức thuế suất ưu đãi thì gần như toàn bộ doanh nghiệp ở nước ta sẽ được hưởng chính sách này.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết: "Liệu bao nhiêu doanh nghiệp trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiệm cận được chính sách này trong thực tiễn. Nếu chính sách ban hành ra trên lý thuế thì tốt nhưng doanh nghiệp tiệm cận được không mấy thì không phát huy được".
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất chỉ áp dụng tiêu chí doanh thu và ưu đãi thuế suất cho những doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề dưới 50 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, tiêu chí này phản ánh thực chất kết quả hoạt động của doanh nghiệp, và cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế đã có sẵn nên thuận lợi trong quản lý. Việc thực hiện các mức thuế suất tương ứng theo quy mô doanh thu của doanh nghiệp cũng thể hiện chính sách ưu đãi là có thời hạn (thuế suất thay đổi theo bước phát triển của doanh nghiệp) và bảo đảm sự khuyến khích, hỗ trợ phù hợp với thực tế. Nếu đề xuất này được thông qua, ngân sách nhà nước giảm thu khoảng 12.600 tỷ đồng/năm.
Nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua, dự kiến sẽ có những tác động tích cực như tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, khuyến khích nhiều người khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Với mức thuế suất thấp hơn, doanh nghiệp sẽ có nhiều nguồn lực hơn để đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, sự phát triển của doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sẽ góp phần tạo ra nhiều việc làm mới, đặc biệt là cho lao động trẻ và lao động nữ. Việc hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và cải thiện đời sống người dân.
Tuy nhiên, việc giảm thuế cũng đặt ra một số thách thức làm giảm thu ngân sách nhà nước. Việc xác định đối tượng được hưởng ưu đãi và quản lý việc thực hiện chính sách này cũng đòi hỏi chính xác và mất nhiều công sức. Vì vậy, cần có một cơ sở dữ liệu chính xác và đầy đủ về doanh nghiệp để xác định đối tượng được hưởng ưu đãi, tăng cường công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế và đảm bảo sự công bằng trong việc hưởng ưu đãi. Bên cạnh việc giảm thuế, cần có những chính sách hỗ trợ khác như đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tiếp cận vốn, hỗ trợ xúc tiến thương mại để doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: "Chính sách tiếp cận về mặt bằng, các thủ tục hành chính. Đặc biệt hỗ trợ vốn trung hạn để họ thực hiện chuyển đổi số, thực hiện đổi mới. Tất cả phải đồng bộ với nhau thì nó mới phát huy hết ý nghĩa của chính sách thuế để làm sao người ta kinh doanh có lời thì người ta mới nộp thuế".
Những băn khoăn, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp rất cần được xem xét kỹ lưỡng trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Bởi lẽ, hạn chế tối đa rủi ro chính sách cho cộng đồng doanh nghiệp là một yêu cầu đặt ra trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh, tạo việc làm và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để chính sách này đạt được hiệu quả cao, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và các doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2024 và xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025.
Theo dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), thuế suất 15% áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 3 tỷ đồng; thuế suất 17% áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm trước liền kề từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng. Hiện tại, doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chịu thuế suất cào bằng 20% như các loại hình doanh nghiệp khác. |