Sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP: Bệ đỡ chính sách cho công nghiệp hỗ trợ
Tăng liên kết để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển Công nghiệp hỗ trợ cần trợ lực để bứt phá |
Nhận diện “điểm nghẽn” CNHT
Theo Bộ Công Thương, dù Việt Nam đã chủ động mở cửa để đón nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế. Đáng nói, CNHT chưa thực sự phát triển hết tiềm năng, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực, vốn…
Tháo gỡ khó khăn, tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ - Ảnh Cấn Dũng |
Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ bày tỏ, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi vốn lớn, khả năng thu hồi lâu, trong khi chính sách ưu đãi vẫn khó tiếp cận. Do vậy, các doanh nghiệp mong muốn, chính sách cần tạo sự đột phá để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, thu hút doanh nghiệp rót vốn xây nhà máy, từ đó tạo ra quy mô sản lượng đủ lớn, giá thành cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại.
Trong khi đó, chính sách đầu tư cho nghiên cứu phát triển lĩnh vực này chưa được chú trọng nên doanh nghiệp chưa mở rộng ra thị trường toàn cầu. Nhiều chuyên gia kinh tế thẳng thắn nhìn nhận, so với các nước lân cận, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam có tính thực thi chưa phù hợp với sức phát triển của doanh nghiệp, khiến cho doanh nghiệp thiệt thòi, thua kém so với doanh nghiệp cùng điều kiện, hoàn cảnh trong khu vực.
Thẳn thắn đề cập nhưng hạn chế, đại diện Hội hiệp Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) nêu, mặc dù cơ hội thị trường của doanh nghiệp CNHT ngành cơ khí trong nước rất lớn, nhưng DN chưa tận dụng được. Nhiều dự án.gói thầu lớn có liên quan đến máy móc, thiết bị vẫn do nhà thầu nước ngoài cung cấp.
“Ngành cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ cho các ngành công nghiệp khác như: hóa chất, giao thông, khai thác dầu khí, nông nghiệp… nên đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, lợi ích ngắn hạn không cao nhưng lợi ích dài hạn là rất lớn. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp CNHT ngành cơ khí vẫn gặp nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Tổng thư ký VAMI nêu bất cập.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra, năng lực đáp ứng và công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam hiện nay phần lớn chưa theo kịp yêu cầu của khách hàng, nhất là khách hàng là những tập đoàn quy mô toàn cầu, nhiều doanh nghiệp CNHT có đơn hàng nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn khách hàng yêu cầu nên dẫn đến mất đơn hàng về các đối thủ khác, đó là các doanh nghiệp FDI, thậm chí một số đơn hàng đáng lẽ là của doanh nghiệp Việt Nam nhưng vì không đáp ứng được nên phải chuyển sang các nước khác xung quanh chúng ta như Trung Quốc, Thái Lan… đây là điều vô cùng đáng tiếc cho doanh nghiệp CNHT của Việt Nam.
Cần “trợ lực” về chính sách
Nhận định rõ những điểm yếu nội tại và bất cập về chính sách trước đó, Bộ Công Thương mới đây đã có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến với Dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 111) về phát triển CNHT với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất. Với khoảng 5.000 doanh nghiệp CNHT hiện nay, Bộ Công Thương đề xuất, doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển sẽ được hưởng các ưu đãi, gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Dự thảo xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Xúc tiến thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ...
Về vốn, Bộ Công Thương đề xuất, ngân sách Trung ương hỗ trợ cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp để đầu tư dự án. Mức cấp bù chênh lệch lãi suất được đề xuất là 3%/năm. Thời gian được nhà nước hỗ trợ tín dụng bằng thời hạn cho vay, nhưng không quá 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Chính sách này áp dụng với các khoản vay ký thỏa thuận vay vốn, giải ngân thực hiện đến hết năm 2030.
Liên quan đến nội dung này, ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) bày tỏ, Nghị định 111 hướng đến là các doanh nghiệp sản xuất.
“Việc nhà nước đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn đầu của quá trình sản xuất là nuôi dưỡng nguồn thu, doanh nghiệp phải sản xuất, phải làm ra của cải cho đất nước mới có được doanh thu và mới được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức ưu đãi", ông Phạm Tuấn Anh phân tích và cho biết Bộ Công Thương vẫn kiên quyết, kiên trì sửa đổi, thuyết phục các cơ quan có liên quan để sớm trình lên Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Với những thay đổi của chính sách cụ thể Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Bộ Công Thương được nhiều địa phương, cộng đồng doanh nghiệp CNHT kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Bệ đỡ chính sách đã có, song về phần các doanh nghiệp cũng sẽ gặp không ít thách thức bởi các yêu cầu chặt chẽ hơn về công nghệ, quy trình sản xuất, chất lượng lao động… để được thụ hưởng ưu đãi CNHT. Do đó, doanh nghiệpcần chủ động rà soát các điều kiện hiện tại để đánh giá khả năng hưởng ưu đãi theo diện CNHT, có kế hoạch hành động để hoàn thiện các điều kiện nhằm gia tăng khả năng đáp ứng. Đồng thời, doanh nghiệp cần nghiên cứu các thay đổi về chính sách, xem xét ảnh hưởng đến cơ hội hưởng ưu đãi CNHT của doanh nghiệp và đưa ra các giải pháp cần thiết, có chiến lược áp dụng ưu đãi phù hợp, hiệu quả cao.
Như vậy, việc xây dựng dự thảo có tính thực thi cao là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, song việc ban hành nghị định sửa đổi cũng cần kịp thời để doanh nghiệp CNHT không lỡ nhịp hội nhập với thế giới.
Ngoài ra, khi Luật Công nghiệp trọng điểm được thông qua và ban hành thời gian tới, ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như ngành CNHT sẽ có được một hệ thống pháp lý vững chắc hơn để xây dựng các văn bản dưới luật phù hợp.