Công nghiệp hỗ trợ cần trợ lực để bứt phá
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mong có thêm thông tin thị trường Tăng liên kết để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển Công nghiệp hỗ trợ - đón “làn sóng” chuyển dịch đầu tư mới |
Doanh nghiệp kết nối chuỗi cung ứng tăng
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thời gian qua, những chính sách khuyến khích của Nhà nước cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm được cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ…. như dây cáp điện, hộp số, các linh kiện nhựa…
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ |
Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia đạt khoảng 100 doanh nghiệp; cung ứng cấp hai, cấp ba là khoảng 700 doanh nghiệp. Tiêu biểu có khoảng 50 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một và 170 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai cho Tập đoàn Samsung.
Ở lĩnh vực cơ khí - ô tô, có khoảng 12 doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp một cho Toyota. Bên cạnh đó, lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 45 - 50%; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15 - 20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô 5 - 20%, riêng đối với một số sản phẩm xe tải và xe khách thì tỷ lệ nội địa hóa cao hơn.
Đơn cử tại địa phương như Hà Nội, ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) cho hay, Hà Nội hiện có gần 900 trên tổng số 5.000 doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ cả nước. Với những hỗ trợ từ Bộ Công Thương, thành phố Hà Nội, HANSIBA và nỗ lực tự thân, các doanh nghiệp của Hà Nội đã dần nâng cao năng lực, sản xuất sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn ngày càng cao của các đối tác.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Công ty cổ phần Hanel xốp nhựa (Hanel Plastics) cho biết, ngay từ đầu, doanh nghiệp đã xác định chiến lược là phải làm được các sản phẩm cung ứng cho các doanh nghiệp FDI lớn.
“Chúng tôi bắt đầu từ những sản phẩm đơn giản, nhưng làm đâu được đấy và tăng dần. Chủ trương là tiếp cận được những “ông lớn" và không ngại những “ông nhỏ”. Vậy nên, chúng tôi luôn là nhà cung ứng cấp một của nhiều tập đoàn lớn”, ông Cường nói.
Mặc dù đạt được kết quả trên, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra nghiên cứu phát triển (R&D) tại các doanh nghiệp không được quan tâm đúng mức. Cuối cùng là mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI chưa chặt chẽ. Mặc dù trong thời gian vừa qua các Bộ, ngành, địa phương cũng đã nỗ lực trong việc kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các tập đoàn đa quốc gia.
Tập trung giải pháp gỡ điểm nghẽn
Trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu, các nước có nhiều thay đổi trong chính sách xây dựng chuỗi cung ứng đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang cần được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp thêm những trợ lực từ chính sách, cơ chế để tăng cường nguồn lực, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng.
Theo ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, biến động kinh tế thế giới khiến một số quốc gia đẩy mạnh thu hút các tập đoàn của họ quay về nước đầu tư, song cũng có tập đoàn tìm đến các quốc gia có tình hình chính trị ổn định, chính sách thuận lợi như Việt Nam để sản xuất lâu dài. Gần đây nhất, trong các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ, đã có những gợi mở về việc các nhà đầu tư của Hoa Kỳ sẽ đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam.
Còn ông Nguyễn Quốc Cường cho hay, với môi trường đầu tư kinh doanh như tại Việt Nam, sẽ có nhiều tập đoàn lớn tìm đến, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải nâng cao trình độ công nghệ để sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và giữ vị trí ổn định trong chuỗi cung ứng. Như tại Hanel Plastics, đối tác chỉ cần đưa mẫu, nói ý tưởng, doanh nghiệp sẽ thiết kế và sản xuất sản phẩm, ngay cả với các cụm linh kiện phức tạp hơn, có giá trị gia tăng cao.
Nhằm tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ ông Phạm Tuấn Anh cho hay, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp như Samsung, Toyota để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nâng cao được năng lực cũng như kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng với nhau.
Liên quan đến Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ được ban hành từ năm 2015 (Nghị định 111), ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh, Nghị định 111 đã trải qua 8 năm với những biến động mới trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ trong bối cảnh hiện nay thì chắc chắn là cần thiết phải sửa đổi Nghị định 111.
Hiện Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao sửa đổi Nghị định này từ năm 2020, tuy nhiên trong quá trình sửa đổi cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Bộ Công Thương vẫn kiên quyết và kiên trì sửa đổi, thuyết phục các cơ quan có liên quan để sớm trình lên Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
“Điểm mới trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 111, đó là việc cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Về danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã bổ sung rất nhiều các sản phẩm mới phù hợp với xu thế hiện nay, hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp”- ông Phạm Tuấn Anh thông tin.
Trong thời gian tới, ngoài việc sửa đổi các chính sách, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có những giải pháp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thông qua đào tạo và mở rộng thị trường.
Riêng đối với việc mở rộng thị trường, ngoài xúc tiến đầu tư, Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành và khu vực liên kết ngành, làm sao có một doanh nghiệp đầu đàn đầu tư vào đó, kéo theo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, từ đó giảm giá thành của sản phẩm, tăng lợi thế của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.