Stavian Hóa Chất của đại gia Đinh Đức Thắng: Khối nợ khổng lồ tăng tốc
Công ty cổ phần Stavian Hóa Chất (tiền thân là Nhựa Opec) là công ty Top đầu về phân phối hạt nhựa tại khu vực và trên thế giới, đồng thời cũng được biết đến như một trong những doanh nghiệp sản xuất bao bì sinh học tự hủy hàng đầu cả nước.
Stavian Hóa Chất ghi nhận doanh thu hàng năm tăng mạnh bất chấp đại dịch Covid-19 và đạt mốc tỷ đô la. Tuy nhiên, trong năm 2023, công ty bất ngờ đi lùi về doanh thu. Cùng với đó là lợi nhuận cũng hao hụt. Nhưng đáng chú ý hơn cả chính là khối nợ khổng lồ có xu hướng bứt tốc.
Doanh thu đột ngột “hãm phanh”
Trong suốt hành trình dài, chỉ tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Stavian Hoá Chất có xu hướng bứt tốc bất chấp nhiều khó khăn chung của nền kinh tế. Năm 2022, doanh thu thậm chí còn cán mốc tỷ đô khi đạt 29.124 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD).
Trước đó, từ năm 2017 đến năm 2021, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Stavian Hóa Chất lần lượt đạt 10.588 tỷ đồng (năm 2017), 14.490 tỷ đồng (năm 2018), 16.162 tỷ đồng (năm 2019), 17.909 tỷ đồng (năm 2020), 24.461 tỷ đồng (năm 2021).
Thế nhưng, đến năm 2023, chỉ tiêu này đột ngột “hãm phanh” khi giảm 3.558 tỷ đồng, tương đương 12,2% so với năm 2022 xuống 25.566 tỷ đồng. Mốc tỷ đô vẫn được duy trì.
Kết quả là lợi nhuận gộp năm 2023 giảm từ 1.675 tỷ đồng xuống 1.457 tỷ đồng.
Trong năm, Stavian Hóa Chất cắt giảm chỉ tiêu cho việc bán hàng khi chi phí cho hoạt động này giảm sâu, giảm 297 tỷ đồng, tương đương 37,6% xuống 493 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng từ 357 tỷ đồng lên 554 tỷ đồng.
Thế nhưng, do chi phí tài chính tăng từ 371 tỷ đồng lên 598 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 355 tỷ đồng lên 447 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Stavian Hóa Chất giảm 30 tỷ đồng, tương đương 7,3% xuống 380 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2022, dù doanh thu tăng từ 24.461 tỷ đồng lên 29.124 tỷ đồng, lợi nhuận công ty vẫn giảm từ 516 tỷ đồng xuống 410 tỷ đồng.
Doanh thu và lợi nhuận cùng suy giảm góp phần không nhỏ khiến Stavian Hóa Chất âm nặng dòng tiền. Tại ngày 31/12/2023, lưu chuyển tiền thuần trong năm của công ty là âm 91,2 tỷ đồng.
Biểu đồ: Hoàng Quyên |
Khối nợ khổng lồ tăng tốc
Doanh thu và lợi nhuận cùng nhau suy giảm không phải vấn đề lớn duy nhất của Stavian Hóa Chất. Bên cạnh đó là câu chuyện khối nợ có hành trình dài tăng tốc.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả của công ty đạt 13.440 tỷ đồng, tăng 2.761 tỷ đồng, tương đương 25,9% so với cuối năm 2022. Nợ cao gấp 4,1 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 80,4% tổng nguồn vốn.
Nợ tại Stavian Hóa Chất tăng mạnh trong nhiều năm qua. Chỉ tiêu này đạt 5.755 tỷ đồng (năm 2017), 6.248 tỷ đồng (năm 2018), 6.536 tỷ đồng (năm 2019), 8.328 tỷ đồng (năm 2020), 12.496 tỷ đồng (năm 2021).
Như vậy, so với năm 2017, nợ phải trả tại ông lớn ngành nhựa tăng tới 7.685 tỷ đồng, tương đương 134%.
Trong khối nợ khổng lồ của Stavian Hóa Chất, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao nhất lên đến 42,7% tổng nợ phải trả (tương đương 5.734 tỷ đồng).
Cần phải nhấn mạnh, 5.734 tỷ đồng là con số tại thời điểm “đóng cửa” năm. Còn trong suốt hành trình năm 2023, lượng tiền “ra” và “vào” ngân hàng của Stavian Hóa Chất là con số khổng lồ.
Theo đó, trong năm 2023, số tiền vay ngắn hạn phát sinh tăng lên tới 18.046 tỷ đồng, số tiền vay ngắn hạn phát sinh giảm cũng đạt tới 17.071 tỷ đồng.
Ngoài ra, phải trả người bán ngắn hạn cũng là chỉ tiêu có giá trị lớn khi đạt 4.109 tỷ đồng, tăng 1.374 tỷ đồng, tương đương 50,2% so với cuối năm 2022. Trong đó, Vinomig Singapore Pte.Ltd là chủ nợ lớn nhất với 1.667 tỷ đồng. Đứng sau là Tổng công ty hóa chất và dịch vụ dầu khí với 809 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Stavian Hóa Chất không có nợ quá hạn. Tuy nhiên, cuối năm 2022, Stavian Hóa Chất ghi nhận hơn 3 tỷ đồng số nợ quá hạn chưa thanh toán với Vinomig Singapore Pte.Ltd.
Thuộc hệ sinh thái đại gia Đinh Đức Thắng
Công ty cổ phần Stavian Hoá chất thành lập ngày 11/9/2009. Trước khi cái tên Stavian Hoá chất được sử dụng chính thức, công ty trải qua nhiều tên gọi như Nhà máy Nhựa Á Châu, Công ty cổ phần Nhựa Opec. Nhựa Opec gắn liền với tên tuổi của đại gia Đinh Đức Thắng.
Nhựa Opec đã trải qua quá trình tăng vốn siêu tốc.
Nhựa Opec có vốn điều lệ ban đầu là 55 tỷ đồng. 3 cổ đông sáng lập bao gồm: Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Đinh Đức Thắng (góp 30,25 tỷ đồng, tương ứng 55% vốn); ông Nguyễn Đức Hà (5,5 tỷ đồng tương ứng 10% vốn) và ông Nguyễn Minh Tú (19,25 tỷ đồng, tương ứng 35% vốn).
Tuy nhiên, sau đó, công ty liên tục tăng vốn. Tới năm 2021, vốn điều lệ công ty đã vọt lên 550 tỷ đồng, cao gấp 10 lần thời điểm thành lập. Và đến ngày 10/5/2021, chỉ tiêu này vọt lên 800 tỷ đồng.
Chỉ vài tháng sau đó, tới ngày 28/12/2021, vốn điều lệ Stavian Hoá Chất tăng gấp đôi lên 1.600 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, mới đây, vào ngày 31/3/2022, chỉ tiêu này vọt lên 2.300 tỷ đồng.
Sau 2 lần tăng vốn tiếp theo, từ ngày 29/3/2024, vốn điều lệ Stavian Hoá Chất đạt 3.300 tỷ đồng. Ông Đinh Đức Thắng giữ vai trò người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.
Ngoài ra, ông Thắng còn là đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Stavian Toàn Cầu, Công ty cổ phần Tập đoàn Stavian, Công ty cổ phần Hóa dầu Stavian Quảng Yên, Công ty cổ phần Stavian Sản xuất công nghiệp.
Trong đó, đáng chú ý nhất là Công ty cổ phần Hóa dầu Stavian Quảng Yên, đơn vị đầu tư Dự án nhà máy hóa dầu Stavian Quảng Yên có tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD tại Quảng Ninh.