Sầu riêng có thể bước vào nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD?
Sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc từ 27/7 | |
Sắp diễn ra phiên tư vấn xuất khẩu sầu riêng Việt Nam |
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết: Diện tích trồng sầu riêng hiện khoảng 84.800ha, sản lượng 700.000 tấn/năm, tập trung ở tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, nhập khẩu hàng năm khoảng 4 tỷ USD, trong tổng số 12 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu trái cây. Sầu riêng Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, độ rủi ro cao.
Tháng 7 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư cho phép sầu riêng tươi của Việt Nam nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này, mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho loại “trái cây vua”.
Tuy nhiên, ông Đặng Phúc Nguyên cũng bày tỏ: Được phép xuất khẩu chính ngạch mới là bước khởi đầu, làm sao để đáp ứng các quy định, xuất khẩu bền vững mới thực sự khó. Phía Trung Quốc yêu cầu tất cả các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu phải được đăng ký với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và được cấp mã. Đồng thời phải được phê duyệt và công bố trên website của Hải quan Trung Quốc.
Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ, mã số để khi phát hiện sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định có thể truy suất nguồn gốc một cách chính xác. Sầu riêng xuất khẩu cũng phải thực hiện 6 đối tượng kiểm dịch thực vật, tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và vấn đề phòng chống Covid-19.
Sầu riêng là loại trái cây khá đặc thù, không nhiều quốc gia trồng được trong khi nhu cầu tiêu dùng lớn, do vậy có nhiều tiềm năng để xuất khẩu, thậm chí có thể bước vào nhóm ngành hàng xuất khẩu tỷ USD. “Để làm được điều này, sầu riêng cần được trồng theo tiêu chuẩn Global Gap nghiêm ngặt, tuân thủ quy định về dư lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và các quy định khác của thị trường nhập khẩu”, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh.
Hiện Việt Nam mới xuất khẩu một lượng không lớn sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc, trong thời gian tới sản lượng tăng lên nguồn cung khí ni tơ lỏng phục vụ cấp đông sản phẩm cũng là vấn đề cần quan tâm.
Sầu riêng có thể bước vào nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD? |
Từ hiện trạng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Australia, ông Nguyễn Phú Hòa – Phó Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia - nhấn mạnh về vai trò của thương hiệu và cạnh tranh lành mạnh.
Theo đó, khi sầu riêng Việt Nam bắt đầu được biết đến trên thị trường Australia, doanh nghiệp xuất khẩu đã đưa hàng không đồng đều về chất lượng để hạ giá thành, cạnh tranh trên thị trường.
"Australia là thị trường khó tính, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao cho sản phẩm tốt. Doanh nghiệp trong nước nên cạnh tranh bằng chất lượng, mẫu mã, thương hiệu nếu không sẽ làm giảm giá trị thương hiệu sầu riêng Việt Nam”, ông Nguyễn Phú Hoà khuyến cáo.
Đồng quan điểm, bà Ngô Tường Vy- Đại diện Công ty CP tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - bày tỏ: Sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu vào các thị trường khó tính không hề đơn giản, đó là cộng hưởng công sức của doanh nghiệp và các cơ quan xúc tiến thương mại…
Việc đàm phán để đưa loại trái cây này vào các thị trường đã khó, thay đổi được thói quen tiêu dùng của người dân để sử dụng trái cây Việt Nam khó hơn gấp nhiều lần. Do vậy phải trân trọng kết quả đã đạt được.
Với Trung Quốc, đây không còn là thị trường dễ tính, thậm chí đứng trong top đầu những thị trường khó tính. Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều về tiêu chuẩn với hàng hoá nhập khẩu, việc đáp ứng là bắt buộc. “Điều này cần sự chung tay của nhiều bên, trong đó quan trọng nhất là nhà trồng trọt và thương lái để đảm bảo chất lượng sản phẩm cho xuất khẩu”, bà Ngô Tường Vi cho hay.
Về phía nhà nhập khẩu, ông Lưu Huy- Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại hàng nông sản Kiệt Thái Hồ Nam (Trung Quốc) đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể với trái sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam chú ý trong quá trình trồng, chế biến sầu riêng thực hiện và đáp ứng theo yêu cầu của Hải quan Trung Quốc.
Tiếp đến, trái sầu riêng cần được thu hái ở độ chín 80-85% để thuận tiện cho vận chuyển. Doanh nghiệp tiêu chuẩn hoá và phân loại sản phẩm theo phẩm cấp, trọng lượng. Xây dựng chuỗi hậu cần lạnh để đảm bảo chất lượng sản phẩmtrong quá trình vận chuyển. Do trái sầu riêng có tính thời vụ cao, đề nghị cơ quan hải quan 2 nước nâng cao hiệu quả hoạt động để đảm bảo thời gian tốt nhất cho thông quan hàng hoá.