Rau dền - “rau trường thọ”
Rau dền có tên khoa học chung là amaranthus, có nguồn gốc ở Trung Mỹ và Nam Mỹ với khoảng 60 loài và khoảng 400 giống của nó hiện diện khắp thế giới, cả vùng có khí hậu ôn đới lẫn nhiệt đới. Ở Việt Nam, rau dền thường thấy là dền đỏ (dền tía - Amaranthus tricolor), dền cơm (dền trắng - Amaranthus viridis) làm rau ăn; dền gai (Amaranthus spinosus) mọc hoang dại. Rau dền cơm và rau dền đỏ rất bổ, giàu vitamin, khoáng chất và chất đạm.
Rau dền cơm được trồng nhiều ở Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp và một số quốc gia châu Phi. Ở Việt Nam, loại rau này được trồng lấy ngọn non, lá non, thân non để ăn. Còn trong các bài thuốc dân gian, thân cây và củ rễ được dùng làm thuốc, hai phần này chứa nhiều hoạt chất tốt cho cơ thể.
Dinh dưỡng từ rau dền
Rau dền cơm và rau dền đỏ được coi là loại “rau trường thọ”. Bởi lẽ, đây là một trong những loại rau đứng đầu bảng trong nhóm rau giàu vitamin, khoáng chất so với các loại rau khác, đồng thời chứa nhiều chất đạm, các hoạt chất sinh học quý giá, giúp loại bỏ và ngăn ngừa một số bệnh mãn tính.
Theo các nhà nghiên cứu, trong rau dền nước và chất xơ chiếm tỉ trọng lớn (chiếm 88%), nhất là trong rau dền cơm còn có nhiều canxi, kali, kẽm, đồng, sắt, photpho và magiê. Rau dền cơm cũng chứa nhiều vitamin như: tiền vitamin A, B1, B3, C. Hàm lượng protein trong rau dền cơm chiếm 2,11% toàn bộ phần ăn được, tương đối cao với các loại rau khác. Hoạt chất chống oxy hóa trong rau dền cơm có hoạt độ gần 30 (theo thang độ IC50 - thang đo hoạt độ chống oxy hóa). Các nghiên cứu đã kết luận rau dền cơm giàu protein, chất xơ, carbohydrat, năng lượng và khoáng chất. Trong rau dền không chứa acid oxalic, do vậy canxi và sắt trong rau dền sau khi đi vào cơ thể rất dễ được tận dụng và hấp thụ nên rất tốt cho phụ nữ mang thai.
Theo y học cổ truyền, rau dền cơm có vị ngọt, tính mát. Ăn rau dền nên ăn cả thân. Rau dền cơm có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, làm mát huyết, ngưng kiết lỵ, ngừng chảy máu chủ, trị bệnh nóng trong, bệnh do nắng nóng gây ra, bệnh tiểu tiện không thông, bệnh chảy máu cam.
Một số nghiên cứu mới đây cho thấy, rau dền có khả năng tăng thải trừ chất phóng xạ, thanh thải chất độc vì có nhiều sterol, các acid béo không no. Ngoài ra, lá và cây non trước khi nở hoa có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, khi được sử dụng dưới dạng bào chế mới là bột trị viêm nhiễm, áp-xe, bệnh lậu, bệnh lỵ, bệnh nhiễm giun sán đường ruột (nhất là giun chỉ, giun kim), bệnh viêm tinh hoàn, bệnh trĩ.
Tại Nigeria, rau dền cơm còn được bào chế thành dịch truyền (sử dụng công nghệ cao) truyền vào máu có tác dụng thanh lọc máu. Một số trung tâm nghiên cứu dược hiện đại còn bào chế thành dạng kem từ rau dền cơm để điều trị viêm nhiễm ở mắt. Một số nơi còn bào chế thuốc để điều trị động kinh và chứng co giật do nguyên nhân khác nhau ở trẻ em như co giật sốt cao, động kinh, thiếu canxi. Lá rau dền cơm còn có tính năng của thuốc hạ nhiệt, giảm sốt, vì thế mà được dùng như một loại thuốc, một loại rau ăn giúp hỗ trợ điều trị sốt cao. Do rau dền cơm có nhiều kali nên phần tro của loại rau này còn được sử dụng để sản xuất thành nước khoáng uống, nước có ga…
Một số bài thuốc thường dùng
Nhuận tràng: Rau dền đỏ một nắm, nhặt sạch, rửa rồi luộc sôi 3 phút, vớt ra trộn với dầu vừng hoặc bột vừng đen, ăn với cơm rất công hiệu hoặc có thể dùng rau dền đỏ nấu canh ăn cũng rất hiệu nghiệm với các trường hợp táo bón.
Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Rau dền đỏ 20g, lá mã đề non 20g, lá dâu bánh tẻ 20g. Tất cả rửa sạch, cho vào nồi nấu canh, thêm gia vị cho vừa ăn hàng ngày. 10 ngày một liệu trình.
Chữa huyết nhiệt sinh lở ngứa: Rau dền đỏ 20g, kim ngân hoa 12g, ké đầu ngựa 16g, cam thảo đất 16g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 750ml nước, sắc còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày. 10 ngày một liệu trình.
Trị kiết lỵ do nóng: Rau dền đỏ 20g, lá mơ lông 20g, rau sam 20g, cam thảo đất 16g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày. 10 ngày một liệu trình. Hoặc dùng rau dền đỏ luộc chín tới, ăn cả nước lẫn cái. Mỗi ngày ăn khoảng 20g, ăn trong vài ngày là khỏi, có thể thêm rau sam.
Nóng trong, đại tiện không thông: Dền đỏ 50g, rửa sạch thái khúc, nấu bỏ bã lấy nước, thêm gạo nếp nấu thành cháo. Ăn trong ngày, 5 ngày một liệu trình.
Thanh nhiệt, kích thích tiêu hoá: Dền đỏ 100g, dền cơm 50g, rau dệu 50g, ngọn lá mảnh cộng 50g hay rau đay; nấu với bột canh, bột tôm hay nước cua./.
Theo langvietonline.vn