Quyết liệt trong quản lý, kiểm soát vi phạm qua thương mại điện tử
Doanh nghiệp tăng xuất khẩu hàng hóa qua sàn thương mại điện tử Tăng cường kiểm soát hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử |
Chiêu trò “luồn lách”
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà phát triển nhanh và ổn định. Theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, năm 2022 doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Kiểm soát chặt thị trường hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử |
Tuy nhiên, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), bên cạnh những mặt tích cực, tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Cụ thể, thủ đoạn các đối tượng thường dùng là lập tài khoản người bán với thông tin giả trên sàn thương mại điện tử, sau đó giả mạo các cửa hàng, công ty kinh doanh trên thực tế để tạo lòng tin cho khách hàng.
Cùng đó, các đối tượng này sẽ đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần kèm thêm thông tin như giảm giá, thanh lý… Đáng lưu ý, hầu hết những mặt hàng này đều có giá trị cao, nhỏ gọn, dễ có hàng giả, hàng nhái như đồ điện tử hay điện thoại di động. Hơn nữa, khi người mua đặt đơn hàng, các đối tượng sẽ được sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cá nhân của người mua. Do vậy, các đối tượng này sẽ sử dụng các phương thức như Zalo, Facebook để chủ động liên lạc, dụ dỗ khách hàng mua các mã giảm giá (voucher) để giao dịch trực tuyến. Việc này nhằm hướng khách hàng không thông qua sàn thương mại điện tử với mức giá thấp hơn mức giá đang niêm yết. Sau khi người bị hại chuyển khoản thanh toán, các đối tượng chặn liên lạc hoặc gửi bưu kiện; trong đó, có các vật phẩm không giá trị.
Thực tế cho thấy, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng như Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng chức năng các địa phương đã tiến hành xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Đơn cử, trong tháng 9/2022, Đội Quản lý thị trường số 11, Cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An tiến hành kiểm tra đột xuất và xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH LEVUCE về hành vi thiết lập website thương mại điện tử bán hàng trực tuyến mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước.
Tại thời điểm kiểm tra, công ty có hoạt động thương mại điện tử trên website rongnhorganicyukibudo.com. Đoàn kiểm tra đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH LEVUCE số tiền 20 triệu đồng.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Điện Biên phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, xác minh website tadinhquystore.vn hoạt động mà không thông báo với cơ quan chức năng. Theo đó, website này cũng bị xử phạt hành chính 10 triệu đồng.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong năm 2022, đơn vị đã phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng mức xử phạt cho các hành vi gian lận thương mại điện tử là 222 triệu đồng.
Tăng cường kiểm soát vi phạm trên thương mại điện tử
Trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thương mại điện tử, theo đó, việc tăng cường xử lý vi phạm hàng giả, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, về giám sát, thực thi pháp luật thương mại điện tử, Cục đã chủ động và tích cực phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường trong việc phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về thương mại điện tử; đào tạo tập huấn nghiệp vụ về thương mại điện tử, kỹ năng thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cho các cán bộ quản lý thị trường ở các địa phương.
Tổng cục Quản lý thị trường đặt mục tiêu cụ thể hàng năm để đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm bản quyền hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; ký cam kết với các sàn thương mại điện tử lớn để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi đưa lên sàn các sản phẩm nhập lậu, hàng giả.
Ngoài ra, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái tác động đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tục vào cuộc đấu tranh trấn áp các hoạt động gian lận thương mại trên môi trường điện tử, phát hiện hàng nghìn thương hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ hoặc kém chất lượng và thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ ra khỏi sàn thương mại điện tử.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trong hoạt động thương mại điện tử, năm 2023, Cục sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các quy định mới và thực hiện tốt việc quản lý, giám sát, thực thi pháp luật thương mại điện tử, đẩy mạnh phối hợp thanh tra, kiểm tra.
Ngoài ra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính có phương án, giải pháp kết nối chia sẻ dữ liệu để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội nói riêng và hoạt động kinh doanh trên không gian mạng nói chung, tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.
Đồng thời, tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Đặc biệt, Cục sẽ tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.
Hiện nay, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử đã bổ sung một số các quy định mới về thông tin hàng hóa phải công khai trên website thương mại điện tử. Theo đó, Nghị định sẽ tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch thương mại điện tử trong quản lý hoạt động thương mại điện tử trên sàn; quản lý người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam... |