Doanh nghiệp tăng xuất khẩu hàng hóa qua sàn thương mại điện tử
Quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ đạt 16,4 tỷ USD Tiêu dùng thông minh kỷ nguyên số |
Doanh nghiệp tăng xuất khẩu từ những cú “click” chuột
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer (Mỹ), Việt Nam thuộc top 5 thế giới về mức tăng trưởng doanh số thương mại điện tử bán lẻ trong năm 2022.
Nhiều doanh nghiệp tăng xuất khẩu hàng hóa qua các sàn thương mại điện tử |
Thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã tăng xuất khẩu hàng hóa qua sàn thương mại điện tử. Với thương hiệu Sunhouse vốn quen thuộc với thị trường bán lẻ truyền thống, với mong muốn tăng xuất khẩu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse đã tìm tới các giải pháp phát triển mảng bán hàng trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế. Với sự hỗ trợ từ Amazon, đơn vị tiến hành các khảo sát để nắm bắt nhu cầu khách hàng, từ đó tập trung các sản phẩm với các tính năng, đặc điểm phù hợp với khách hàng sở tại. Nhờ đó, dù mới gia nhập Amazon từ đầu năm 2022 nhưng tốc độ tăng trưởng của Sunhouse đã vượt mức kỳ vọng. Riêng tại thị trường Bắc Mỹ, doanh số của Sunhouse tăng trưởng trung bình 160 - 200% mỗi tháng. Với tiềm năng này, tập đoàn tiếp tục đặt mục tiêu mở rộng danh mục sản phẩm trên sàn thương mại điện tử.
Cũng nhờ thương mại điện tử mà nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể xuất khẩu sản phẩm khắp nơi và đứng trước cơ hội cạnh tranh thương mại bình đẳng tại các thị trường lớn, ngay cả Trung Quốc.
Theo bà Trần Thị Yến Phi - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của DWS với các sản phẩm là chanh dây và sầu riêng cấp đông. Doanh nghiệp này ước doanh thu trong năm nay sẽ tăng gấp 3 lần so với năm ngoái. Đáng chú ý, toàn bộ doanh thu này đến từ việc tham gia sàn thương mại điện tử Alibaba.com. Tiếp đà tăng trưởng này, DSW đặt mục tiêu tiếp tục đưa hàng nông sản Việt Nam vào thị trường EU.
Chỉ sau một năm bán hàng trên sàn thương mại điện tử Amazon nhắm đến các thị trường Âu, Mỹ, ChicnChill - một thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ đan lát của Việt Nam đã đạt con số tăng trưởng xuất khẩu đến 700%. Theo ông Trần Tuấn Dũng - chủ thương hiệu ChicnChill thích ứng với bối cảnh kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch ChicnChill tìm tòi trên các website về lối sống ở thị trường Âu Mỹ, nghiên cứu và phân tích các xu hướng trang trí nhà cửa với các vật liệu từ thiên nhiên, từ đó xác định dòng sản phẩm chủ lực đầu tiên, kết hợp bản sắc Việt để bước chân vào thị trường. Chỉ sau khoảng một năm lên sàn, cỏ cây, mây tre Việt qua các sản phẩm thủ công trang trí ChicnChill đã được đón nhận và yêu thích trên sàn Amazon. Mục tiêu của doanh nghiệp này là đạt mức tăng trưởng 200 - 300%/năm.
Một thương hiệu Việt khác cũng gặt hái thành công khi xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới là LAFOOCO với sản phẩm nhân điều. Chỉ sau hai tuần mở bán trên Amazon, ba trong tổng số bốn loại hạt điều của doanh nghiệp Việt đã lọt vào top 10 sản phẩm hạt điều mới bán chạy nhất trên nền tảng này. Riêng hai dòng sản phẩm hạt điều rang muối biển vị caramel và hạt điều rang muối biển vị dừa lọt top 100 sản phẩm hạt điều tại gian hàng Amazon ở Mỹ.
Có thể nói, thông qua các sàn thương mại quốc tế như Alibaba, Amazon, JD.com, Shopee Global… người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới có thể mua hàng với số lượng lớn hoặc mua lẻ từ các nhà bán hàng Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là các loại nông sản thành phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ nội thất, gia dụng hoặc sản phẩm chăm sóc sức khỏe thiên nhiên…
Vượt qua rào cản đặt mục tiêu lớn tăng xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử
Thông thường để một doanh nghiệp tự tìm hiểu và tham gia vào một thị trường hoàn toàn mới sẽ cần thời gian dài trong vài năm, song nếu hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử thì quá trình đó sẽ được rút ngắn, doanh nghiệp có thể nhanh chóng, tự tin đưa sản phẩm của mình ra quốc tế.
Vì thế nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã chọn thương mại điện tử là công cụ quan trọng để tăng trưởng xuất khẩu. Hàng loạt doanh nghiệp Việt hiện thông qua nền tảng điện tử mà gia tăng lượng bán hàng và còn được xuất khẩu dưới thương hiệu của doanh nghiệp mình thay vì lâu nay chỉ xuất khẩu dưới thương hiệu của các nhãn hàng ngoại.
Tuy thương mại điện tử tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng đối nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, thương mại điện tử xuyên biên giới vẫn còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý trong khi chưa rõ về hiệu quả kinh doanh mang lại. Đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên quá trình đăng ký trở thành đối tác của các sàn thương mại điện tử quốc tế không hề dễ dàng vì phải trải qua nhiều bước thẩm duyệt của chủ sàn giao dịch online.
Bên cạnh hàng hóa phải chuẩn, đáp ứng tiêu chí của thị trường, doanh nghiệp phải trải qua quá trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Cụ thể, sản phẩm phải bảo đảm đáp ứng những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc và tiêu chí chất lượng sản phẩm, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm quốc tế, bao bì sản phẩm và quy cách đóng gói cũng phải theo tiêu chuẩn từ phía chủ sàn thương mại. Lên được sàn rồi, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục có chiến lược tiếp thị, quảng cáo và quản lý hàng hóa phù hợp…
Theo một số doanh nghiệp đã xuất khẩu thành công qua các sàn thương mại điện tử chia sẻ cần phải đầu tư hạ tầng công nghệ số một cách bài bản để có thể đồng bộ, kết nối với các nền tảng nước ngoài. Bên cạnh đó doanh nghiệp phải liên tục đổi mới sáng tạo, từ hình thức sản phẩm, cách tiếp thị cho đến chính sách giá cả cạnh tranh. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu phải kịp thời nắm bắt xu hướng tiêu dùng của thế giới và đặc thù nhu cầu riêng của từng thị trường riêng.
Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nhận xét: Với những lợi thế có sẵn như chính sách quốc gia hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu, năng lực sản xuất dồi dào, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, Việt Nam đang ở giai đoạn vàng để cất cánh xuất khẩu online.