Quý I/2023: 28/63 địa phương có tiến độ thu ngân sách đạt khá
Thu ngân sách Nhà nước tháng 1/2023 giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022 Thu ngân sách 2 tháng đầu năm đạt 23,7% dự toán |
Theo đó, lũy kế hết quý I/2023, tổng thu ngân sách ngành Thuế quản lý ước đạt 426.922 tỷ đồng, bằng 31,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 104,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, có 28/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt khá (đạt trên 28% so với dự toán).
Có 28/63 địa phương có tiến độ thu ngân sách đạt khá trong quý I/2023. Ảnh minh họa |
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, tháng 3 toàn ngành thu ngân sách ước đạt 106.500 tỷ đồng, đạt 7,8% so với dự toán pháp lệnh, bằng 82,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 5.500 tỷ đồng, bằng 13,1% so với dự toán, bằng 69,1% so với cùng kỳ; thu nội địa không tính dầu thô ước đạt 101.000 tỷ đồng, bằng 7,6% so với dự toán pháp lệnh, bằng 83,4% so với cùng kỳ.
Lũy kế quý I/2023, thu dầu thô ước đạt 15.504 tỷ đồng, bằng 36,9% so với dự toán pháp lệnh, bằng 88,6% so với cùng kỳ; thu nội địa trừ dầu thô ước đạt 411.418 tỷ đồng, bằng 30,9% so với dự toán pháp lệnh, bằng 105,3% so với cùng kỳ.
Theo phân tích của lãnh đạo Tổng cục Thuế, thu nội địa quý I/2023 đạt khá so dự toán và tăng so cùng kỳ chủ yếu do thực hiện theo Nghị định 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022 quy định tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ tạm nộp của 4 quý không được thấp hơn 80% số thuế TNDN phải nộp, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quyết toán năm, chậm nhất ngày cuối cùng tháng 1/2023, đã tác động đến số thuế nộp trong tháng 1/2023 tăng cao.
Cụ thể, thu thuế TNDN bằng 45% dự toán, tăng 40% so cùng kỳ; thu cổ tức và lợi nhuận chênh lệch bằng 44% dự toán, tăng 66,7% so cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu loại trừ 2 khoản thu trên thì thu nội địa quý I/2023 chỉ bằng 85,5% so cùng kỳ, phần lớn khoản thu, sắc thuế đều giảm so cùng kỳ.
Chi tiết về các chỉ tiêu thu, lãnh đạo Tổng cục Thuế đánh giá, có 12/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán (đạt trên 28%). Trong đó một số khoản thu lớn như: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước ước đạt 32,4%. Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 31,2%. Thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh ước đạt 34%. Thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 32,5%. Thu cổ tức và lợi nhuận chênh lệch ước đạt 44%. Thu khác ngân sách ước đạt 56,5%. Thu chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 353,8%...
Tuy nhiên, vẫn có 8/20 khoản thu đạt dưới 28% dự toán, trong đó: Thu lệ phí trước bạ ước đạt 22,1%. Thu tiền sử dụng đất ước đạt 14,8%. Thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 11,6%, chỉ tiêu thu này giảm do thực hiện Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay và Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022. Thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp ước đạt 15%. Thu tiền bán nhà ước đạt 10,4%; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản ước đạt 11,3%;...
Đánh giá kết quả thu theo địa bàn, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, có 28/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt khá trên 28%; có 14/63 địa phương đảm bảo tiến độ thu (25 - 28%); có 21/63 địa phương có tiến độ thu đạt thấp (dưới 25%).
Nếu trừ số thu từ tiền sử dụng đất, thu từ xổ số, cổ tức và lợi nhuận chênh lệch, thu chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước, thì có 22/63 địa phương thu đạt từ 28% trở lên; có 21/63 địa phương đảm bảo tiến độ thu (25 - 28%); còn 20/63 địa phương có tiến độ thu đạt thấp (dưới 25%).
Giao nhiệm vụ cho toàn ngành trong thời gian tới, quyền Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế Mai Xuân Thành đề nghị các đơn vị tiếp tục tổ chức triển khai các giải pháp phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023, theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ. Đồng thời, các đơn vị chủ động rà soát lại toàn bộ nguồn thu trên địa bàn từng địa phương để giao nhiệm vụ thu phấn đấu năm 2023 cho các đơn vị quản lý thu, đảm bảo sát với thực tế phát sinh.
Toàn ngành triển khai kịp thời, hiệu quả các gói chính sách, giải pháp về thuế để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề tăng thu cho ngân sách khi Chính phủ ban hành. Cùng với đó, các đơn vị tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước...