Quảng Bình: Khẩn trương triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
Tại hội nghị, các già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào thiểu số đã bày tỏ những nguyện vọng chính đáng và bàn các giải pháp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trên cơ sở đó, Quảng Bình đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 10/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và Kế hoạch số 1722/KH-UBND ngày 20/9/2022 thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là chương trình được kỳ vọng sẽ tạo ra những đổi thay cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình.
Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất vùng đồng bào dân tộc |
Mục tiêu của Kế hoạch là khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh so với bình quân chung của cả nước.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 02 lần so với năm 2020; 50% xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 04% trở lên (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025); có 49 thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 80% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.
Phấn đấu 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia |
Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu hoàn thành cơ bản công tác định canh định cư; quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí trí ổn định 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ sạt lỡ, lũ ống, lũ quét; tỷ lệ trẻ mẫu giáo 05 tuổi đến trường đạt trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90% và 100% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế; trên 80% phụ nữ có thai được khám định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi xuống dưới 15%; có 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện người dân tộc thiểu số…
Về phát triển kinh tế, Quảng Bình đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hóa, tập quán từng dân tộc; hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sản phẩm đặc sản, giá trị cao.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tại địa bàn các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung triển khai 10 dự án về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn…
Tỉnh Quảng Bình có 15 xã miền núi, biên giới với hơn 27.000 người đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 70%. |