Quảng Bình: 14 chương trình, dự án cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trong năm 2022, vùng đồng bào dân tộc và miền núi tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận nguồn tài trợ của 14 chương trình, dự án với tổng kinh phí tài trợ 556.460 triệu đồng (vốn tài trợ 402.847 triệu đồng, vốn đối ứng 153.613 triệu đồng), trong đó có 02 dự án ODA, 12 dự án phi Chính phủ nước ngoài. Các dự án tập trung vào một số lĩnh vực như: Y tế, giáo dục và đào tạo, cung cấp nước sạch, xử lý môi trường… đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh, chính trị, an toàn xã hội vùng đồng bào đồng bào dân tộc và miền núi.
Vận động đồng bào lao động sản xuất, thoát nghèo bền vững |
Điển hình như Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ kinh phí 140.300 triệu đồng xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở; Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ kinh phí 230 tỷ đồng để cải thiện thu nhập bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vì cộng đồng nông thôn hòa bình; Tổ chức DKT Internationnal (Mỹ) hỗ trợ 124,43 triệu đồng thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ kinh phí không hoàn lại 1.150 triệu đồng xây dựng hệ thống cung cấp nước sinh hoạt và xử lý vệ sinh môi trường tại khu tái định cư bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh; Tổ chức Plan hỗ trợ 5.216 triệu đồng thực hiện các chương trình, dự án cải thiện điều kiện sống cho trẻ em, trẻ gái và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn; bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên an toàn trên không gian mạng; cải thiện chất lượng giáo dục; hỗ trợ mô hình sinh kế ở huyện Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ…
Tuy nhiên, vị trí địa lý, điều kiện địa hình tự nhiên, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Quảng Bình không thuận lợi nên gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động, thu hút nguồn vốn viện trợ. Các nguồn vốn viện trợ đã và đang được tài trợ chưa đáp ứng được nhu cầu vốn đối với địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đầu tư nâng cấp và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng |
Vì vậy, thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh công tác vận động, xúc tiến, giới thiệu, quảng bá nguồn viện trợ vào lĩnh vực nông lâm nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, giáo dục và đào tạo, hướng nghiệp, giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, cứu trợ khẩn cấp khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời, xây dựng Chương trình, dự án cụ thể, có cơ chế đặc thù, định hướng thu hút, quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi, vốn phi chính phủ và các tổ chức nước ngoài đầu tư hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; về nội dung, tầm quan trọng và sự cần thiết phải đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm, tính tích cực, tự giác trong tổ chức thực hiện. Việc tuyên truyền, giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, bằng nhiều hình thức, biện pháp sinh động, thiết thực, phù hợp để cán bộ, đảng viên, nhân dân và bản thân từng hộ, từng người trong đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, có quyết tâm vươn lên lao động sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Huy động, phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó nguồn lực của Nhà nước là quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Tăng cường chuyển giao khoa học, công nghệ, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc điểm miền núi để phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân; gắn sản xuất với thị trường, nhất là các lĩnh vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có lợi thế.
Đồng bào dân tộc và miền núi tỉnh Quảng Bình sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 102 bản thuộc 15 xã và 03 bản của các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy; trong đó chủ yếu là các dân tộc: Bru - Vân Kiều, Chứt, Mường, Thổ, Tày, Thái… |