Phát triển năng lượng xanh: Chính sách mạch lạc, thực tiễn sẽ rõ ràng
Ninh Thuận định hướng phát triển năng lượng xanh làm đòn bẩy bứt phá Năng lượng xanh quan trọng thế nào với tương lai của Việt Nam? Tương lai của năng lượng xanh tiềm ẩn những gam màu xám |
Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện” do Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại tổ chức ngày 8/8/2024, tại Hà Nội.
Báo cáo tại hội thảo nêu rõ, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg. Chiến lược tăng trưởng xanh tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, đồng thời Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 tại COP26 và đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
Để cụ thể hoá các chiến lược và cam kết nói trên, ngày 15/5/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg, về Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), trong đó, quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Cấn Dũng |
Tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn - Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam - đưa số liệu cho biết, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021 - 2030 lên tới hơn 130 tỷ USD, nhưng trong hơn 3 năm qua, mới đạt khoảng 30 tỷ USD. Nghĩa là, trong hơn 6 năm còn lại còn cần hơn 100 tỷ USD nữa đầu tư cho ngành điện.
Trong khi đó, các dự án điện LNG gặp nhiều vướng mắc về chính sách khi triển khai thực hiện cũng như thiếu quy định pháp luật cho phát triển điện gió ngoài khơi. Công nghệ nhiên liệu hydrogen còn ở giai đoạn thử nghiệm, chưa được thị trường hóa…
Phân tích thêm về vai trò của yếu tố pháp lý liên quan đến phát triển điện gió ngoài khơi, TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - nhìn nhận, do hành lang pháp lý cho mọi hoạt động, từ chuẩn bị đầu tư, kêu gọi đầu tư cho đến đàm phán các hợp đồng còn vướng, dẫn tới các quyết định đầu tư chậm ban hành và khó ban hành vì các điều kiện chưa được thỏa mãn.
Vì khó khăn do khung pháp lý chưa xử lý được cho nên sức hút vào các dự án đối với nhà đầu tư bị chậm lại, nhiều dự án có nhiều nhà đầu tư quan tâm song sau nhiều năm theo đuổi vẫn tiếp tục ở trạng thái khó giải quyết.
Theo PGS TS Nguyễn Thường Lạng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Việt Nam đã có nhiều chính sách liên quan đến hydro xanh, chiến lược tăng trưởng xanh, chiến lược phát triển năng lượng, quy hoạch điện VIII… Để doanh nghiệp có thể triển khai, việc đầu tiên là phải có chính sách quy định rõ ràng, mạch lạc (ví dụ quy định ôtô điện, xe máy điện, thiết bị sử dụng tiết kiệm năng lượng…) phải có hệ thống cơ chế, chính sách quy định và có chuẩn mực rõ ràng.
Tiếp đến, cần có mô hình rõ ràng, cụ thể xây dựng khoa học để có một quy trình, bởi từ mô hình mới ra được quy trình và từ quy trình mới ra được bước đi, thì doanh nghiệp nhìn một mô hình rõ ràng và một quy trình mạch lạc, chắc chắn áp dụng rõ hơn.
Đề xuất triển vọng phát triển các ngành kinh tế xanh tại Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng xanh, TS. Hà Huy Ngọc - Viện Kinh tế Việt Nam - nêu quan điểm, trước hết cần xây dựng chiến lược quốc gia và lộ trình rõ ràng cho nhóm các ngành, lĩnh vực xanh quan trọng và phức tạp, đó là hydro sạch và giao thông và logistics xanh, với một cơ quan liên bộ đóng vai trò dẫn dắt, triển khai các chiến lược ngành này. Ngoài ra, các dự án tăng tốc chiến lược tăng trưởng xanh cần được triển khai ở cấp tỉnh và thành phố.
Các bộ, ngành và cơ quan liên quan cần phối hợp triển khai hoàn thiện một hệ thống phân loại xanh quốc gia toàn diện, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống phân loại cần bao gồm danh sách chi tiết các chủ đề, lĩnh vực và dự án phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh. Thêm vào đó, hệ thống phân loại cần bao gồm các tiêu chuẩn kỹ thuật theo ngành cụ thể như mức phát thải khí nhà kính và tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng, cùng với quy trình xác minh, chứng nhận và hướng dẫn cho các bên liên quan.