Phát triển công nghiệp văn hóa: Còn nhiều rào cản
Chưa như kỳ vọng
Để thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp văn hóa, tháng 9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Công nghiệp văn hóa đang phát triển và có sức lan toả |
Nhận định của giới chuyên gia, việc ban hành và triển khai Chiến lược đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy hệ thống văn hóa vào những chuyển dịch sâu rộng hơn. Bức tranh toàn cảnh về phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đã được phác thảo rõ nét.
Cụ thể, thị phần xuất khẩu hàng hóa văn hóa của Việt Nam ra thế giới đã bao gồm: Sách, tạp chí, sản phẩm đa phương tiện, phần mềm, bản ghi âm, phim, video, chương trình nghe nhìn, hàng thủ công và thời trang…
Đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa vào tỷ trọng GDP cả nước ngày càng lớn: Năm 2010 là 2,44%; năm 2015 là 2,68%; năm 2018 lên 3,61%.
Số lượng không gian văn hóa sáng tạo ngoài công lập tăng từ 40 không gian của năm 2017 lên hơn 200 không gian ở khắp mọi miền đất nước vào năm 2021, với những tổ hợp như Hanoi Creative City, Thiết kế 282 Designe…; từ một thành phố tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là Hà Nội đến nay đã có 7 thành phố mong muốn trở thành thành viên của mạng lưới này.
Trong lĩnh vực làng nghề, năm 2020 cả nước có 1.926 làng nghề, tăng 275 làng nghề so với năm 2011. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt trên 2,35 tỷ USD, trong đó có một số mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn như gốm sứ đạt 539 triệu USD, mây tre cói thảm đạt 484 triệu USD…
Tuy nhiên, chia sẻ tại hội thảo tổng kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (2016-2021), diễn ra mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - nhấn mạnh: Chúng ta có 8 trụ cột tài nguyên văn hóa để thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển, nhưng mới đạt được khoảng 8.081 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP vào năm 2018 là ít so với tiềm năng có thể phát triển được.
Một trong những nguyên nhân khiến giá trị ngành công nghiệp văn hóa còn thấp được chỉ ra, do thiếu tính sáng tạo. Công nghiệp văn hóa/công nghiệp sáng tạo vẫn là khái niệm mơ hồ ở Việt Nam, nhưng điều này sẽ chuyển biến tích cực nếu chúng ta thay đổi được tư duy, coi văn hóa - sáng tạo là ngành nghề phi sản xuất, không đem lại của cải cho xã hội.
Cùng quan điểm, tổng đạo diễn Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa - nhạc sĩ Quốc Trung - chia sẻ, công nghiệp văn hóa thời gian qua đã ít nhiều có tác động tới lĩnh vực âm nhạc song mọi việc mới chỉ là bước đầu, chưa tạo ra nhiều dấu ấn. Để phát triển công nghiệp âm nhạc bền vững cần có sự đánh giá bình đẳng, hỗ trợ về tài chính, có hành lang pháp lý và đặc biệt là sự đồng hành, bảo trợ của nhà nước cho các dự án tốt, không kể là của đơn vị công lập hay tư nhân.
Bên cạnh đó, còn một số rào cản được chuyên gia chỉ ra như: Chưa khai thác hiệu quả được nguồn dư địa dồi dào; cơ chế chính sách về công nghiệp văn hóa chủ yếu ở dạng lồng ghép, chưa có một chính sách mang tính toàn diện, tổng thể...
Tháo gỡ từ đâu?
Dù kết quả đạt được mới ở mức trung bình nhưng công bằng nhìn nhận: Công nghiệp văn hóa đang phát triển và có sức lan toả. Tuy nhiên, làm sao để biến nguồn tài nguyên phong phú trở thành sức mạnh mềm như kỳ vọng là một câu hỏi không dễ trả lời.
Có ý kiến cho rằng, công nghiệp văn hóa đang là một kênh liên kết yếu trong cơ chế chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa mang tính bền vững và đây chính là thách thức lớn đòi hỏi cần sớm tìm ra những giải pháp có tính thực tế và đột phá hơn về thể chế.
Theo TS. Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, phát triển ngành công nghiệp sáng tạo hay công nghiệp văn hóa sẽ dẫn lối cho những cơ hội, sản phẩm, dịch vụ mới; thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa nói riêng, ngành kinh tế xanh nói chung hậu Covid-19.
Song muốn thu hút đầu tư vào ngành này, nhà nước cần ban hành chính sách cụ thể, xây dựng đề án quy hoạch, bố trí quỹ đất, đầu tư cho các dự án phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa...; kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất sản phẩm và dịch vụ văn hóa; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực thế mạnh.
Từ kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa của nhiều nước trên thế giới, bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - đề xuất, việc tăng cường đầu tư cho văn hóa, sử dụng các công cụ tài chính, ưu đãi thuế, thu hút nguồn lực, xây dựng và mở rộng thị trường văn hóa; tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam…
So với các ngành công nghiệp khác, chi phí tái sản xuất trong ngành công nghiệp văn hóa thấp nhưng tốc độ tăng trưởng cao, chiếm hơn 7% GDP toàn thế giới với mức tăng trung bình hàng năm đều đặn 10%. Vì vậy, tại nhiều quốc gia, công nghiệp văn hóa được đẩy mạnh phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ví dụ ở Hàn Quốc còn chủ trương nâng ngành công nghiệp này lên vị trí dẫn dắt các ngành công nghiệp khác. Còn châu Âu, ngành công nghiệp sáng tạo có sự đóng góp lớn cho nền kinh tế, tạo ra khoảng 3% GDP và tạo công việc cho khoảng 6 triệu người...