Ổn định và nâng cao giá trị đồng tiền Việt Nam
Gửi VND vào ngân hàng là kênh đầu tư hấp dẫn và an toàn
Lạm phát của Việt Nam trong khoảng 1 thập kỷ lại đây như “con ngựa bất kham” nhiều năm ở 2 con số và lên đến trên 18% vào năm 2011 khiến cho niềm tin vào đồng Việt Nam (VND) của người dân lung lay và giá trị của VND cũng bị giảm sút nặng. Người dân, nhà đầu tư vài năm trước đã giảm sút niềm tin với kênh đầu tư gửi tiết kiệm ở ngân hàng và lao vào đầu tư, tích trữ vàng và ngoại tệ, thậm chí một số đối tượng cơ hội lợi dụng tình hình bất ổn thao túng thị trường vàng, ngoại tệ và tỷ giá để kiếm lời bất chính gây tác động xấu đến tình hình kinh tế vĩ mô.... Nhưng, trong 2 năm 2012-2013, các chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt được áp dụng đã góp phần quan trọng đẩy lùi lạm phát về mức chỉ còn một con số và dừng ở mức 6,04% - mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Thị trường ngoại hối và tỷ giá cũng đã tương đối ổn định, thị trường vàng không “dậy sóng”, hệ thống ngân hàng vượt qua được nguy cơ đổ vỡ....
Ngay từ đầu năm, NHNN đã đề ra mục tiêu ổn định tỷ giá với biên độ tăng không quá 2-3% trong năm để kiểm soát sự mất giá của VND. Để ổn định thị trường và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, NHNN đã điều chỉnh tăng 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức 21.036 VND/USD từ ngày 28/6/2013; điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng USD và khuyến khích người dân nắm giữ VND; khuyến khích các tổ chức tín dụng bán ngoại tệ cho NHNN để tăng dự trữ ngoại hối và điều chỉnh linh hoạt tỷ giá bán ra để ổn định thị trường; điều hòa hợp lý lượng tiền VND cung ứng mua ngoại tệ để tránh áp lực lên lạm phát và hỗ trợ thanh khoản, giảm mặt bằng lãi suất cho vay VND.... Nhờ vậy, thị trường ngoại hối năm 2013 cơ bản ổn định, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống được cải thiện; tâm lý găm giữ ngoại tệ đã được đẩy lùi một bước, hoạt động của thị trường ngoại hối tự do bị thu hẹp, tình trạng đôla hóa giảm, lòng tin vào VND đã được nâng cao.
Các công cụ chính sách tiền tệ đã được sử dụng đồng bộ, kết hợp giữa điều hành theo lãi suất và điều hành lượng tiền cung ứng. Nghiệp vụ thị trường mở được sử dụng chủ yếu và điều chỉnh linh hoạt, kịp thời theo cả hai chiều mua, bán kết hợp với phát hành tín phiếu NHNN để kiểm soát các chỉ tiêu tiền tệ theo mục tiêu lạm phát, hỗ trợ thanh khoản, giảm mặt bằng lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Lãi suất ngân hàng được điều hành theo hướng chủ động, dẫn dắt thị trường và bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.... Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất trong năm 2013 đã tiếp tục giảm 2-5%/năm trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006, song vẫn đảm bảo được kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ; thanh khoản VND của các ngân hàng được giữ vững, đảm bảo khả năng thanh toán và chi trả của toàn hệ thống; tính kỷ luật của thị trường tiền tệ, ngân hàng được tăng cường; đường cong lãi suất đã dần hình thành kỳ hạn ngắn có lãi suất thấp, kỳ hạn dài có lãi suất cao hơn; huy động vốn bằng VND của hệ thống ngân hàng tăng 15,93%, khá cao so với năm 2012....
Thực tế cho thấy, trong 2 năm 2012, 2013, nếu người dân có VND gửi vào hệ thống ngân hàng thì đều đã có thực lãi và đảm bảo an toàn. Với tư cách là người đứng đầu ngành ngân hàng, ông Bình khẳng định: “Ai có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm để lấy lãi, năm 2014 và tiếp theo hãy tiếp tục gửi VND vào ngân hàng vì đây là kênh đầu tư an toàn, đảm bảo được quyền lợi và hấp dẫn nhất hiện nay”.
Lý do khiến ông Bình khuyên người dân như vậy ngoài thực tiễn như vừa nêu, thì việc ổn định giá trị và nâng cao vị thế cho VND trong các kênh đầu tư là chủ trương, chính sách, là mục tiêu kiên định trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong suốt nhiệm kỳ 2011-2016 và những năm tiếp theo. Năm 2014, mục tiêu này sẽ tiếp tục được NHNN thực hiện, dự báo sẽ tốt hơn./.
Việt Anh