"Nóng" tour biển đảo mùa du lịch hè 2022
Du lịch biển - sản phẩm chủ đạo
Thông tin từ một số doanh nghiệp du lịch, hiện nhu cầu các tour biển từ Bắc tới Nam tăng cao. Một số điểm du lịch biển như Nha Trang, Đà Nẵng… đã báo hết phòng trong tháng 6/2022.
Phó Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Nguyệt Vân Khanh thông tin, hiện sản phẩm được khách quan tâm nhiều nhất là chùm tour biển đảo với các tuyến như: Phú Quốc (Kiên Giang), TP Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Cửa Lò (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh)… Vì vậy, 80% sản phẩm tour du lịch nội địa của Vietravel gắn liền với biển đảo. “Có thể nói, tour biển đảo luôn là dòng sản phẩm chủ đạo để thu hút khách du lịch trong mùa Hè 2022 của các đơn vị lữ hành” - bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh nhấn mạnh.
Không chỉ khai thác những điểm đến quen thuộc, năm nay nhiều đơn vị lữ hành còn tìm tòi, khai thác những tour biển đảo mới, như Flamingo Redtours khai thác độc quyền 3 tour biển đảo mới, sử dụng đường bay thẳng Hà Nội - Tam Kỳ, Hà Nội - Tuy Hòa. Qua đó đưa du khách tham quan, trải nghiệm những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như biển Chu Lai (Quảng Ngãi), biển Tuy Hòa (Phú Yên).
Tổng giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết, với những tour biển đảo mới này, du khách không chỉ được nghỉ dưỡng tại các bãi biển hoang sơ mà còn là dịp tham quan nhiều di tích cách mạng.
Thực tế cho thấy, hiện các công ty du lịch đã liên tục giới thiệu tour biển đảo giá rẻ. Cụ thể, tour Hà Nội - Hạ Long 3 ngày 2 đêm được bán với giá 2,5 triệu đồng/1 khách. Du khách cũng có thể lựa chọn tour du lịch 1 ngày trên du thuyền 5 sao với giá 1,8 triệu đồng/khách. Ngoài những bãi biển trong đất liền, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đang đưa ra thị trường tour nghỉ dưỡng tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh) với giá từ 1,6 - 2,1 triệu đồng/người tùy theo lịch trình 2 ngày 1 đêm hoặc 3 ngày 2 đêm.
Bên cạnh đó, tour tham quan nghỉ dưỡng tại đảo Cát Bà (Hải Phòng) trong 3 ngày 3 đêm với giá từ 2 - 3 triệu đồng/khách cũng đang thu hút nhiều khách du lịch chọn mua trong mùa Hè 2022.
Nhằm kích cầu du lịch, doanh nghiệp lữ hành, khu nghỉ dưỡng đã tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho hay, từ 1/7 - 15/8 doanh nghiệp Đà Nẵng giảm giá từ 20 - 50% cho sản phẩm nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí tại các điểm tham quan như Bà Nà, Mikazuki, Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài.
Tương tự, Công ty Cổ phần Long Phú (doanh nghiệp quản lý khai thác đảo Khỉ và đảo Hoa Lan - TP Nha Trang) cũng đưa ra chính sách giảm 10% - 30% ưu đãi dành cho cho du khách đến Nha Trang nghỉ dưỡng, tắm biển khám phá đảo Khỉ và đảo Hoa Lan.
Chưa khai thác hết tiềm năng du lịch biển
Theo các chuyên gia du lịch, mặc dù công ty lữ hành đã làm mới, đa dạng tour, nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng du lịch biển.
Khách du lịch tắm biển tại đảo Hoa Lan, TP. Nha Trang |
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn nêu rõ, hiện dịch vụ ở nhiều điểm du lịch biển đảo vừa thiếu vừa yếu. Chỉ một số ít nơi có những dịch vụ bổ trợ, hoạt động giải trí và các môn thể thao bãi biển dành cho du khách vui chơi, mua sắm... Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và quản lý giá ở các điểm du lịch biển đảo chưa được siết chặt, tình trạng “ép giá” du khách vẫn xuất hiện tràn lan vào mùa du lịch cao điểm.
Đồng tình với ý kiến này, theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng, mặc dù vùng biển đảo nước ta có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhưng chưa được doanh nghiệp khai thác trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng vùng. Những điểm yếu này làm hạn chế tính hấp dẫn và khả năng thu hút khách quay trở lại tham quan, nghỉ dưỡng nhiều lần.
Mặt khác, việc phát triển theo lối tự phát, phần nào tùy tiện, mang tính riêng lẻ cũng là điểm yếu khiến du lịch biển Việt Nam vốn tiềm năng nhưng chưa trở thành “thiên đường”. “Một số vùng biển còn tiềm năng lớn như Hà Tiên, Hòn Chông (Kiên Giang), do thiếu hạ tầng, dịch vụ hoặc đường bay chưa thật thuận lợi nên rất khó đưa khách đến với số lượng lớn” - ông Phùng Quang Thắng nêu ví dụ.
Theo các chuyên gia du lịch, để khắc phục những bất cập này đòi hỏi ngành du lịch tăng cường phát triển các dịch vụ, hệ thống cơ sở hạ tầng, quy hoạch tổng thể, bảo tồn không gian biển hợp lý, bền vững.
Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nêu rõ, những yếu tố bản sắc riêng của địa phương được thể hiện một cách chuyên nghiệp, có sự đầu tư hợp lý sẽ tạo động lực thúc đẩy du lịch biển đảo, phát triển thương hiệu "Biển Việt Nam." Để nâng cao tầm vóc và xây dựng thương hiệu du lịch biển Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 201/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó ưu tiên phát triển hệ thống sản phẩm du lịch biển có khả năng cạnh tranh trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh biển, hệ sinh thái biển; Khai thác hệ thống đảo ven bờ phục vụ phát triển du lịch.
Ý kiến của các chuyên gia cho thấy, để du lịch biển Việt Nam trở thành sản phẩm hút khách đòi hỏi địa phương, doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư xây dựng tour mang bản sắc riêng một cách chuyên nghiệp, qua đó tạo động lực thúc đẩy du lịch biển đảo.
Với lợi thế đường bờ biển dài, Việt Nam không thiếu những bãi biển đẹp, những “đảo ngọc” cho du lịch phát triển. Nhưng đến nay vẫn chưa định hình được thương hiệu “thiên đường biển, đảo” như Hawaii (Hoa Kỳ), Pattaya (Thái Lan). Một điều dễ nhận thấy nhất là biển Việt Nam thiếu quá nhiều dịch vụ bổ trợ, hoặc không đa dạng sản phẩm vui chơi giải trí trên biển như các nước trong khu vực. Ngoài những trung tâm như Đà Nẵng, Cát Bà, Nha Trang… hầu hết hoạt động du lịch biển ở các địa phương khác chủ yếu vẫn là tắm biển, ăn uống. Các hoạt động lễ hội, tour khám phá, trải nghiệm hầu như vắng bóng khi đến những bãi biển địa phương. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng |