Những bức ảnh chưa từng xuất hiện về chiến thắng Điện Biên Phủ
Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ Khuyến cáo phương tiện đi lại dịp Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ Những điều ít biết về bức tranh panorama “Chiến thắng Điện Biên Phủ” |
Có mặt tại triển lãm ảnh nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), đạo diễn Triệu Tuấn, con trai của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại không khỏi xúc động trước từng tác phẩm của người cha dường như sau 70 năm vẫn còn nóng bỏng tính thời sự.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại |
Ông Triệu Tuấn, con trai nghệ sĩ Triệu Đại, giới thiệu bức ảnh bộ đội ta vượt cầu gỗ tấn công vào sân bay Mường Thanh giữa pháo đạn ác liệt cuả địch |
Ông Triệu Tuấn cho biết trong số hàng nghìn bức ảnh được cha ông chụp về chiến dịch Điện Biên Phủ, gia đình và ban tổ chức triển lãm đã chọn ra 70 bức ảnh để trưng bày với công chúng, tương ứng với kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử này.
Ông Tuấn cho biết, trong số này đã có nhiều bức ảnh trở nên rất quen thuộc như các ảnh Bác Hồ và Bộ Chính trị họp bàn mở chiến dịch Điện Biên Phủ, ảnh bắt sống tướng De Castries và bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm, ảnh cắm cờ trên nóc hầm tướng De Castries, ảnh dẫn giải tù binh, một số ảnh về hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại mặt trận Điện Biên Phủ nhưng cũng có những bức ảnh chưa từng xuất hiện ở bất cứ đâu.
Quân ta tấn công trong trận Him Lam |
Đầu tiên là tấm ảnh bộ đội ta tấn công trong trận Him Lam. Trong ảnh bước chân của bộ đội ta nhòe đi, nhưng người nét, xác Tây nằm dưới chân rất nét, cảm giác rất động, một hành động rất dũng mãnh của bộ đội ta ngay trong trận mở đầu chiến dịch.
Trỏ vào 2 tấm ảnh về cuộc chiến đấu giằng co trên đồi A1 suốt hơn 36 ngày đêm, ông Triệu Tuấn cho biết, đây là hai bức ảnh mà gia đình ông ấn tượng nhất. Đây cũng là 2 bức ảnh mà lúc sinh thời nghệ sĩ Triệu Đại ấn tượng nhất.
Mức độ ác liệt của cuộc chiến trên đồi A1 đã được thể hiện trong nhiều hồi ức, sách báo thế nhưng chỉ một tấm ảnh với đặc trưng thể tài của nó đã nói lên tất cả. Trận chiến này do vị trí của đồi A1 quyết định đến thành bại của cả trận chiến nên ta quyết phải giành cho được, Pháp cũng cố giữ bằng mọi giá. Và tinh thần dũng cảm vô song khi người trước ngã xuống, người sau vẫn ào lên như một bức tranh đầy bi tráng của trận chiến này.
Quân ta tấn công Đồi A1 |
Quân ta chiếm Đồi A1- điểm quyết đấu của chiến dịch Điện Biên Phủ |
Ảnh thứ nhất, khi bộ đội bắt đầu băng lên đồi A1, thì phía xa xa thấp thoáng 4 – 5 chiến sĩ đã hy sinh, nhưng trước tiền cảnh bức ảnh vẫn có 2-3 chiến sĩ lao lên; bức ảnh thứ hai là họ đã chiếm được đỉnh đồi A1. Đấy là bức ảnh ấn tượng nhất và cũng rất xúc động.
“Ở cả ba bức ảnh này những người chiến sĩ đã ngã xuống lẫn những người đang xông lên đã tạc thành những tượng đài bất tử trong một trận chiến lịch sử”, ông Tuấn xúc động nói.
Một bức ảnh cũng thuộc loại rất hiếm cho thấy tình cảm đồng đội vô cùng cao cả khi những người anh nuôi quẩy gánh cơm canh nóng sốt cho bộ đội trực tiếp chiến đấu tại chiến hào ăn để lấy sức cho trận tiến công mới.
Anh nuôi mang cơm ra tận chiến hào phục vụ bộ đội |
Phá đá mở đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ |
Cũng rất cảm động cảnh bộ đội ta phá đá mở đường trong chiến dịch bằng chính đôi tay của mình khi dụng cụ chỉ là cuốc chim, choòng sắt. Khẩu hiểu rất đơn giản, “thi đua làm vượt tiểu đội đồng chí Tuyết”.
Có thể thấy ở từng góc cạnh của chiến dịch, mỗi người chiến sĩ đã nỗ lực cao nhất cho thắng lợi của chiến dịch gần lại.
Ảnh toàn cảnh chiến trường Điện Biên Phủ cho thấy mức độ khốc liệt của trận chiến (nơi khoanh đỏ là hầm chỉ huy của tướng De Castries) |
Bên lề triển lãm, ông Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cho rằng, những bức ảnh tại triển lãm thực sự là những bức ảnh độc nhất vô nhị ở những thời điểm quyết định cho thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Còn ông Triệu Tuấn cho biết, cả cuộc đời cùng chiếc máy ảnh xông pha trận chiến chống Pháp lẫn chống Mỹ, rồi cho đến khi thống nhất đất nước, hoà bình và mất ở tuổi 72 vào năm 1992, nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại chưa hề có một triển lãm ảnh cho riêng mình. Bởi vậy triển lãm mở ra nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ chính là triển lãm đầu tiên của nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại.