Những điều ít biết về bức tranh panorama “Chiến thắng Điện Biên Phủ”
Đây là bức tranh có một không hai không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới tái hiện toàn cảnh chiến thắng Điện Biên Phủ tròn 70 năm trước bằng ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo, chân thực.
Chia sẻ về quá trình sáng tác bức tranh, ông Nguyễn Văn Mạc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo tồn di sản văn hoá, trưởng nhóm sáng tác bức tranh cho biết, ý tưởng về bức tranh này hình thành từ năm 2013, khi xây dựng bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên muốn có một bức tranh panorama thể hiện toàn cảnh chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi bảo tàng xây dựng xong cũng là lúc các hoạ sỹ hình thành ý tưởng cho tác phẩm.
Trường đoạn 4 của bức tranh với chủ đề Chiến thắng Điện Biên |
Tuy nhiên, từ ý tưởng đến hiện thực là cả một chặng đường dài, nhất là với yêu cầu một bức tranh cần được thể hiện trong không gian của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ.
“Nhóm sáng tác đã cẩn trọng từng bước một. Đầu tiên là lập đề cương, trong quá trình lập đề cương các hoạ sĩ đã dành thời gian đi điền dã, xem không gian cảnh quan khu vực lòng chảo Điện Biên. Không gian đã có nhiều thay đổi ,không còn như xưa”, ông Mạc chia sẻ.
Cùng đó là quá trình đi tìm tư liệu. Nguồn tư liệu là các hiện vật đã được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ cùng các hệ thống bảo tàng khác có liên quan, các lời kể của các nhân chứng, các cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhóm sáng tác cũng đã kết hợp với tư liệu ảnh để bức tranh vừa hoành tráng, vừa bảo đảm tính chân thực của lịch sử.
Các hoạ sĩ trong quá trình thể hiện bức tranh panorama "Chiến thắng Điện Biên Phủ" |
Sau đó là tiến hành viết đề cương, chia bức tranh làm 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận; Khúc dạo đầu hùng tráng; Cuộc đối đầu lịch sử và Chiến thắng Điện Biên. Tất cả các hình ảnh và sự kiện được xâu chuỗi, kết nối liền mạnh theo diễn biến của chiến dịch, tạo cho người xem một cái nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động.
Nhóm các họa sĩ tham gia sáng tác trải qua 3 bước. Phác thảo bước 1 với kích thước cao 90 cm, dài 13,5 m. Sau khi xem xét, điều chỉnh lắng, nghe các ý kiến đóng góp, công việc sáng tác chuyển sang bước 2 vẽ tranh cao 2,3 m, dài 31 m. Còn khi vẽ bức tranh với tỷ lệ 1:1 toàn bộ bức tranh có diện tích trên 3.000 m² gồm phần tranh tường, phần sắp đặt và phần bầu trời.
Đến đầu năm 2019, sau nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, bức vẽ phác thảo đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trải qua hơn 2 năm miệt mài và tâm huyết, đến năm 2021 tác phẩm đã được hoàn thành. Đó là kết quả lao động sáng tạo của tập thể bao gồm rất nhiều thành phần gồm họa sĩ, kiến trúc sư, điêu khắc, nhạc sỹ, chuyên gia kỹ thuật...
“Thời gian sáng tác kể cả lập đề cương cũng mất đến 5 năm. Có thể gọi bức tranh là kỷ lục của Việt Nam, thậm chí là kỷ lục thế giới cũng được”, ông Mạc nói.
Nói về cảm hứng chủ đạo của tác phẩm, ông Mạc cho biết, ở đây cảm hứng được xuất phát từ tình yêu lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc. Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự kiện lẫy lừng, là mốc son chói lọi của cả dân tộc, cũng lòng tự hào của cả dân tộc vùng lên để đánh thắng thực dân Pháp. Đây là cảm hứng lớn được truyền cho các hoạ sĩ tham gia để vẽ tranh vừa có độ trung thực vừa hoành tráng.
Ông Nguyễn Văn Mạc (thứ hai từ trái) cùng các nhà quản lý, chuyên gia, hoạ sĩ trao đổi về sáng tác bức tranh |
Một điểm độc đáo của bức tranh “Chiến thắng Điện Biên Phủ” là trong số 200 hoạ sĩ tham gia vào sáng tác bức tranh đa phần tuổi còn rất trẻ song đã được truyền lửa của tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ. Qua đây có thể khẳng định, cứ nói người trẻ bây giờ thờ ơ với lịch sử đất nước là không phải. Vấn đề là các thế hệ đi trước truyền lửa cho các thế hệ sau như thế nào.
“Các cháu được đào tạo rất bài bản, bút pháp hết sức nghiêm túc. Vấn đề là làm sao truyền lửa lịch sử cho các cháu về ý nghĩa của bức tranh, ý nghĩa của trận chiến Điện Biên Phủ. Từ nhập tâm đến thể hiện là quan trọng nhất để thấy rằng bức tranh này đa phần do các hoạ sĩ trẻ thể hiện. Tất nhiên, bên cạnh dàn hoạ sĩ trẻ còn có vai trò của Hội đồng nghệ thuật, các hoạ sĩ cao tuổi truyền đạt ý tưởng để hun đúc lên thành đường nét bức tranh của một tập thể hoạ sĩ nhưng vẫn mang tính đồng nhất cao”, ông Mạc chia sẻ.
Có thể nói, bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” là một công trình mỹ thuật công phu, hoàn hảo, có nội dung phong phú, sinh động, có hình thức thẩm mỹ đẹp, thể hiện năng lực và tay nghề của các họa sĩ Việt Nam trong việc thực hiện các công trình mỹ thuật hoành tráng; giúp công chúng được khám phá bức tranh và có cái nhìn chân thực, toàn diện về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đồng thời là một tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, độc đáo, ấn tượng, kiệt tác quý giá của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Tác phẩm panorama ''Chiến dịch Điện Biên Phủ’’ đã đoạt giải Nhất ''Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 2022’’; giải Đặc biệt về sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 – 2023; giải Xuất sắc của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. |