Nhịp cầu Công Thương ngày 20/10: Phản ánh liên quan lãnh đạo huyện Thanh Oai, Bệnh viện Phụ sản Hải Dương
Thông tin phản ánh: Nhà thầu phản ánh hồ sơ mời thầu gói thầu dịch vụ giặt là quần áo, đồ vải y tế cho bệnh viện của Bệnh viện Phụ sản Hải Dương có tiêu chí không phù hợp. Theo đó, hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu tham dự phải có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm công cộng hoặc tương đương còn hiệu lực.
Thứ nữa, hồ sơ mời thầu có dấu hiệu vi phạm quy định về cạnh tranh trong đấu thầu khi chỉ định model, thương hiệu của máy móc, thiết bị như máy giặt model HSCW 50, nhãn hiệu Hwasung; máy sấy model HSCD 100, nhãn hiệu Hwasung… Nhà thầu cho rằng những yêu cầu này không đúng quy định, làm hạn chế nhà thầu, có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh, dẫn đến không tối ưu hiệu quả gói thầu.
Bệnh viện Phụ sản Hải Dương |
Thông tin phản ánh: Bạn đọc phản ánh bị lộ lọt thông tin cá nhân khi nằm viện và khi đi máy bay. Theo đó, chị P.N.M (30 tuổi, Hà Nội) cho biết tháng trước có thực hiện sinh mổ tại bệnh viện P.S. Tuy nhiên, sau đó chị nhận được nhiều cuộc gọi tự xưng là nhân viên các phòng tiêm phòng từ nhiều nơi hỏi thăm và tư vấn việc tiêm phòng vắc-xin. Một số nhân viên tư vấn nói quá về các chủng bệnh và nguy cơ khiến chị M. khá hoang mang.
Tương tự, nhiều bạn đọc cho biết bị lộ thông tin cá nhân khi đi máy bay. Cụ thể, khi hành khách vừa bước xuống máy bay đã liên tục nhận được những tin nhắn, cuộc gọi từ các hãng taxi gây rất nhiều phiền toái cho hành khách. Được biết, từ ngày 1/7/2023, Nghị định 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã chính thức có hiệu lực. Nhưng tình trạng những đối tượng lạ có thể thu thập đầy đủ thông tin của công dân vẫn còn khá phổ biến.
Thông tin phản ánh: Người dân có đơn tố cáo ông Nguyễn Khánh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) sai phạm liên quan việc giải quyết chính sách hỗ trợ và sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng. Thông tin này đã được UBND TP Hà Nội xác minh và kết luận tố cáo của người dân có một phần là đúng. Từ đó, bạn đọc đề nghị với những nội dung đã kết luận là có sai phạm cần nhanh chóng xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người dân được giải quyết kịp thời, đúng quy định.
Thông tin phản ánh: Nhiều bạn đọc cho biết bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn khi tham gia đầu tư chứng khoán qua các quỹ đầu tư trên nền tảng mạng xã hội. Theo phản ánh từ các nạn nhân, ban đầu họ được điện thoại từ số lạ mời tham gia quỹ đầu tư chứng khoán. Người gọi đề nghị kết bạn qua nhóm chát zalo để “gửi tài liệu tham khảo” và sau đó liên tục chia sẻ các mã chứng khoán tăng tốt, hiệu quả. Tiếp sau đó nạn nhân được hướng dẫn cài app, mở tài khoản và nạp tiền chơi cổ phiếu. Khi tài khoản người chơi tăng lên số tiền vài chục tỷ đồng, sẽ nhận được thông báo tạm dừng, từ chối mua tiếp, hoàn thành các thủ tục để rút tiền về.
Tuy nhiên, để rút được tiền, người chơi phải chuyển tiền phí quản lý lợi nhuận hàng tỷ đồng. Đáng nói, khi đã nạp tiền vào tài khoản, nạn nhân bị cắt liên lạc, chặn số, xoá khỏi nhóm… không liên lạc được với quỹ đầu tư chứng khoán trên. Việc đòi lại số tiền đã đầu tư khó như mò kim đáy bể. Trước thực trạng này, cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo nhà đầu tư không làm theo những hướng dẫn, mời chào của các tài khoản cá nhân, nhóm trên zalo, facebook…. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan chức năng để giải quyết.
Báo Công Thương sẽ xác minh, làm rõ phản ánh của bạn đọc về các vụ việc kể trên để thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân nếu như phản ánh thông tin chưa chính xác.