Nhịp cầu Công Thương ngày 17/10: Phản ánh liên quan dự án KĐT Nam Phúc Yên, đấu thầu vi phạm Luật Cạnh tranh
Thông tin phản ánh: Dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên do Công ty cổ phần Tây Đức làm chủ đầu tư để xảy ra nhiều sai sót về đầu tư, quy hoạch, kinh doanh bất động sản… Theo đó, dự án được chấp thuận đầu tư hạng mục nhà chung cư (căn hộ chung cư) tại khu đất được quy hoạch là đất thương mại, không phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt từ năm 2013 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Dù nội dung này đã được điều chỉnh tại quyết định số 124/QĐ-UBND ngày 20/01/2020 của UBND tỉnh nhưng đến nay, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chưa có văn bản chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư điều chỉnh phương án tiêu thụ sản phẩm từ bán nhà ở sang chuyển nhượng quyền sử dụng một số lô đất cho người dân tự xây dựng nhà ở.
Thứ nữa, dự án được điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhiều lần (3 lần) làm tăng hệ số sử dụng đất, phát sinh nghĩa vụ nộp bổ sung tiền sử dụng đất của chủ đầu tư. Tuy nhiên đến nay, các cơ quan có thẩm quyền chưa xác định nghĩa vụ nộp bổ sung tiền sử dụng đất của chủ đầu tư. Theo quy hoạch tỷ lệ 1/500 được duyệt năm 2020, một số lô đất tại dự án có sự điều chỉnh về chức năng sử dụng từ đất dịch vụ công cộng, đô thị sang đất hỗn hợp ở cao tầng và điều chỉnh từ đất cây xanh công viên sang đất ở, chưa phù hợp với quy hoạch phân khu C3 tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt tại quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 07/01/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Một góc Dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên. Ảnh: Binh Nhất |
Đáng chú ý, tại thời điểm khởi công xây dựng công trình (tháng 3/2019), chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất; khởi công xây dựng công trình khi chưa được cấp giấy phép xây dựng… Trong quá trình thi công, có nhiều căn nhà liền kề thi công xây dựng không đúng thiết kế mẫu được phê duyệt. Không những thế, dự án còn được xác nhận 106 ô đất được phép chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở trong khi dự án chưa thi công hoàn thành các công trình dịch vụ.
Dư luận cho rằng những vi phạm trong quá trình triển khai dự án Khu đô thị Nam Phúc Yên cần xử lý dứt điểm, nhằm đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch và cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ đầu tư. Việc xử lý các vi phạm trong quá trình triển khai dự án còn góp phần đảm bảo quyền lợi của người dân, bảo vệ môi trường, tránh khiếu kiện pháp lý về sau.
Thông tin phản ánh: Nhà thầu phản ánh hồ sơ mời thầu gói thầu “Mua sắm trong nước dụng cụ cấp dưỡng, doanh cụ, sàn giá năm 2023” do Cục Hậu cần/Bộ đội Biên phòng làm chủ đầu tư (giá trị dự toán 8.722.273.900 đồng) có tiêu chí chưa phù hợp, có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhà dầu và đề nghị các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh, làm rõ.
Thông tin phản ánh: Trên nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook…) gần đây xuất hiện các nhóm như: Vàng CFD – Xu hướng 2023, Cộng đồng kết nối đầu tư kinh doanh, Thị trường vàng quốc té, Sóng vàng toàn cầu… Những nhóm này chuyên cập nhật xu hướng đầu tư, xu hướng giá vàng, đầu tư sinh lời… rồi mời gọi nhiều người cùng tham gia.
Nhưng qua tìm hiểu, những nhóm này xây dựng kịch bản tỉ mỉ chủ yếu nhằm câu kéo người nhẹ dạ cả tin đầu tư để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dùng. Thực tế, đã có không ít người tin tưởng vào những hứa hẹn về làm giàu nhanh, đã đầu tư một số tiền lớn dựa trên hướng dẫn từ những kẻ lừa đảo, kết quả là bị mất đi số tiền lớn. Trước thực trạng này, đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, cảnh báo và có phương án xử lý dứt điểm để đảm bảo an toàn, bảo vệ người dùng trực tuyến khỏi các hoạt động lừa đảo và gian lận.
Thông tin phản ánh: Nhiều độc giả phản ánh về việc mua phải sách lậu, sách giả thông qua các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo và các dịch vụ trực tuyến khác. Sử dụng các chiêu trò quảng cáo bài bản, các đối tượng khiến sách giả, sách lậu dễ tiếp cận người dùng. Những người này thường sẵn sàng bỏ tiền mua sách lậu vì tưởng rằng mua sách chính hãng với giá giảm giá sâu.
Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho các công ty sách và nhà xuất bản mà còn đặc biệt lo ngại trong bối cảnh số lượng người đọc sách trực tuyến đang gia tăng. Để đối phó với tình trạng này, cần thiết phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan. Điều này bao gồm kiểm soát nội dung trên các nền tảng trực tuyến, thực hiện các biện pháp để xác minh sách thật, phân biệt với sách lậu, sách giả, cũng như cung cấp thông tin rõ ràng và hướng dẫn cho người đọc để họ có thể phân biệt. Ngoài ra, cần thiết lập quy định chặt chẽ để xử lý nghiêm những người vi phạm để đảm bảo tính minh bạch thị trường sách.
Báo Công Thương sẽ xác minh, làm rõ phản ánh của bạn đọc về các vụ việc kể trên để thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân nếu như phản ánh thông tin chưa chính xác.