Nhịp cầu Công Thương ngày 12/12: Phản ánh liên quan Điện lực Lạng Sơn, thị trường đèn năng lượng mặt trời
Thông tin phản ánh: Trên các nền tảng mạng xã hội gần đây xuất hiện tràn lan các sản phẩm bóng đèn LED năng lượng mặt trời nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng cao của người dân. Tuy nhiên, không ít trong số này là hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng. Điều này tiềm ẩn nhiều mối nguy hại, đặc biệt là nguy cơ cháy nổ cao. Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng chức năng đã khuyến cáo người tiêu dùng nên mua sản phẩm tại các cơ sở uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua phải hàng giả mạo.
Tuy nhiên, độc giả cũng đề xuất các cơ quan chức năng cần thực hiện các biện pháp siết chặt quản lý thị trường và tăng cường công tác tuyên truyền về nguy hại của việc sử dụng đèn LED kém chất lượng, nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Việc nâng cao nhận thức cho cả người bán và người mua về tác động của đồ gia dụng giá rẻ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn và chất lượng của các sản phẩm LED trên thị trường.
Tràn lan sản phẩm năng lượng mặt trời kém chất lượng, nhận biết thế nào? Ảnh minh họa chụp từ màn hình |
Thông tin phản ánh: Nhà thầu cho hay hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp thuộc Dự án Nhà điều hành, phòng chức năng Trường Tiểu học Minh Tân (thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) do UBND thị trấn Yên Lạc có nhiều tiêu chí chưa phù hợp. Theo đó, tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật có yêu cầu: với các vật liệu chất thải xây dựng trong quá trình thi công yêu cầu nhà thầu phải có văn bản thỏa thuận với người đại diện chính quyền địa phương tại nơi dự kiến tập kết chất thải xây dựng; hoặc có hợp đồng nguyên tắc với đơn vị có chức năng tập kết, thu gom chất thải xây dựng (kèm theo tài liệu chứng minh năng lực của đơn vị thu gom, tập kết chất thải xây dựng).
Nhà thầu cho rằng, yêu cầu trên không phù hợp Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/05/2022 quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu, có thể dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định Luật Cạnh tranh và quy định pháp luật về đấu thầu.
Thông tin phản ánh: Thời gian gần đây, trên các nền tảng Youtube, Facebook, TikTok... xuất hiện nhiều video hướng dẫn làm pháo nổ tại nhà. Một số clip hướng dẫn chi tiết cách làm pháo nổ có hàng triệu lượt xem, hàng trăm ngàn lượt thích, bình luận, cổ vũ và trao đổi về nơi mua nguyên liệu cùng cách thực hiện. Thực tế ghi nhận trường hợp một số người, nhất là học sinh và thanh thiếu niên tự tìm hiểu, chế tạo pháo trái phép. Đây không chỉ là những hành vi vi phạm pháp luật mà còn đặt ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn tới tính mạng, sức khỏe và an ninh, trật tự.
Trước thực trạng trên, nhiều phụ huynh kiến nghị cơ quan chức năng cần nhanh chóng yêu cầu các nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook, TikTok… gỡ bỏ các video hướng dẫn chế tạo pháo nổ tại nhà, xóa bỏ các hội nhóm chia sẻ cách thức làm pháo nổ. Đồng thời, tăng cường giáo dục an toàn trực tuyến và nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ và hậu quả của việc chế tạo pháo trái phép.
Thông tin phản ánh: Một số doanh nghiệp quan tâm đến các gói thầu chào hàng cạnh tranh tại Công ty Điện lực Lạng Sơn (PC Lạng Sơn) băn khoăn tính minh bạch và công bằng tại gói thầu mua sắm vật tư thiết bị phục vụ sửa chữa hệ thống tiếp địa các TBA đợt 3 năm 2023 của PC Lạng Sơn. Theo phản ánh, tại gói thầu này, hai nhà thầu Công ty TNHH Vật liệu điện Thái Bình Dương (Công ty Thái Bình Dương) và Công ty TNHH Thành Minh MTC (Công ty Thành Minh MTC) là đối thủ cạnh tranh (Công ty Thái Bình Dương được chọn trúng thầu), song danh mục hàng hóa được PC Lạng Sơn duyệt mua lại có xuất xứ của cả Công ty Thái Bình Dương và Công ty Thành Minh MTC.
Báo Công Thương sẽ xác minh, làm rõ phản ánh của bạn đọc về các vụ việc kể trên để thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân nếu như phản ánh thông tin chưa chính xác!