Nhịp cầu Công Thương 4/9: Lo ngại chất lượng dự án 4.800 tỷ đồng; Nhiều dự án ‘đắp chiếu’ ở Mê Linh
Thông tin phản ánh: Theo phản ánh của người dân, Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc được thực hiện trên địa bàn 7 huyện của Vĩnh Phúc: Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, thành phố Phúc Yên và thành phố Vĩnh Yên cơ bản hoàn thành và đang trong quá trình chạy thử nghiệm.
Tuy nhiên, trong cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, nhiều vị trí thuộc hệ thống kênh xả, hút của dự án này có dấu hiệu nứt gãy, sụt lún (trong đó, các kênh trạm bơm Kim Xá, Nguyệt Đức, Ngũ Kiên sạt lở, vỡ mảng, nứt gãy với vết dài rõ rệt) với khoảng chiều dài 60-80m… Chính những dấu hiệu này khiến dư luận nghi ngờ về chất lượng công trình.
Một số khu vực Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc có dấu hiệu bị hư hỏng. Ảnh: Đinh Vũ |
Được biết, Dự án có tổng mức đầu tư và nguồn vốn cho dự án 4.815,8 tỷ đồng (tương đương 220 triệu USD). Trong đó, vốn đối ứng hơn 1.532 tỷ đồng (tương đương 70 triệu USD), vốn vay hơn 3.284 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD) vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Thời gian thực hiện dự án đến ngày 30/6/2025; thời hạn giải ngân theo Hiệp định vay vốn đến hết ngày 08/7/2024.
Thông tin phản ánh: Dự án Khu đô thị Làng hoa Tiền Phong (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc (nay sáp nhập về Hà Nội) phê duyệt năm 2005 với tổng kinh phí đầu tư 920 tỷ đồng, do Công ty Tiền Phong (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Prime Land (Prime Group) làm chủ đầu tư. Dự kiến, dự án khởi công vào năm 2005, hoàn thành vào năm 2013 nhưng đến nay dự án vẫn là bãi đất trống. Hiện tại, người dân địa phương tận dụng mặt bằng để chăn thả gia súc, trồng rau màu.
Cũng tại xã Tiền Phong có Dự án Khu nhà ở Minh Đức do Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Minh Đức làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 18/7/2008. Sau nhiều lần điều chỉnh, dự án đã được xây dựng cơ bản về hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông nội khu, cây xanh, hệ thống điện, nước.
Tuy nhiên, cả hai dự án trên hiện nay phần lớn khu đất vẫn còn là đất trống, dự án bỏ hoang, nông dân không có đất sản xuất, gây lãng phí lớn tài nguyên.
Dự án Khu đô thị Làng hoa Tiền Phong hiện đang dùng để chăn thả gia súc, trồng rau màu. Ảnh: CTV |
Thông tin phản ánh: Người dân phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP. Hà Nội phản ánh, việc Dự án cống hóa mương Kẻ Khế chậm tiến độ, ngoài việc mất mỹ quan đô thị còn gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề tồn tại kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống hàng ngày của người dân xung quanh.
Theo người dân địa phương, Dự án cống hoá mương Kẻ Khế, chảy qua phường Đội Cấn và Kim Mã, quận Ba Đình, TP. Hà Nội từ khi triển khai đến này đã hơn 20 năm. Nhiều hộ gia đình không được làm sổ đỏ, mua bán và cũng không được phép xây sửa lại mà phải duy trì căn nhà như hiện trạng để chờ quy hoạch giải tỏa. Mặc dù năm 2023, Dự án bắt đầu khởi động lại một phần, nhưng đến nay lại tiếp tục bị dừng không rõ lý do.
Thông tin phản ánh: Người dân xã Vũ An và Vũ Ninh (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) phản ánh, Công ty TNHH Phúc Kiến ở Cụm công nghiệp Vũ Ninh (huyện Kiến Xương), thời gian gần đây thường xuyên có hoạt động xử lý nước thải, xả thải tại nhà máy sản xuất ra môi trường gây ô nhiễm. Đề nghị cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp này.
Báo Công Thương sẽ xác minh, làm rõ phản ánh của bạn đọc về các vụ việc kể trên để thực hiện công tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân nếu như phản ánh thông tin chưa chính xác! |