Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn chuyển nhà máy sang Việt Nam
Cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc: Bỏ qua yếu tố giá Doanh nghiệp Trung Quốc tìm hiểu thị trường gạo An Giang Củng cố tin cậy chính trị và quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc |
South China Morning Post đánh giá, số lượng chủ doanh nghiệp Trung Quốc tham gia tìm hiểu về việc chuyển nhà máy sang Việt Nam tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) cao chưa từng thấy, là minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt tới quốc gia này.
Hãng thông tấn của Trung Quốc cho hay, kết thúc buổi kết nối kinh doanh kéo dài hơn một giờ đồng hồ với hơn 300 người tham dự tại Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO), bà Nguyễn Thị Nga, đại diện kinh doanh của Khu công nghiệp Deep C (Việt Nam) vẫn còn hơn chục khách hàng Trung Quốc tiềm năng chờ đợi để được nhận tư vấn.
“Kể từ năm ngoái, các doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu dành nhiều sự quan tâm hơn tới Việt Nam. Sự quan tâm này đặc biệt bùng nổ trong năm nay, sau đại dịch”, bà Nga chia sẻ với South China Morning Post.
Được biết, bà Nguyễn Thị Nga là đại diện cho một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam tham dự Hội chợ Trung Quốc – ASEAN. Đây là một diễn đàn thường niên mang tới cơ hội giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp ASEAN và Trung Quốc. Bước sang năm thứ 20, sự kiện được tổ chức tại thành phố Nam Ninh, thủ phủ của Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây kéo dài 4 ngày (16/9 – 19/9). Năm nay, Hội chợ thu hút sự tham gia của hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ 10 nước ASEAN và chủ nhà Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn, bà Nguyễn Thị Nga cho biết, một nửa trong số khoảng 30 khách hàng Trung Quốc, bao gồm các nhà sản xuất hóa chất, điện tử và tấm pin mặt trời, ở tất cả 5 khu vực của Deep C, mới tham gia sự kiện này kể từ năm 2022.
“Chúng tôi đang mong đợi sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư tham gia”, bà Nga chia sẻ. Đại diện của Deep C Việt Nam cũng bật mí, có 7-8 nhà đầu tư Trung Quốc sẽ chuyển tới vào cuối năm nay.
Theo nhận định của South China Morning Post, mặc dù Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp muốn di dời chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhằm tránh thuế nhập khẩu của Mỹ sau khi cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước này nổ ra vào năm 2018. Thời gian tới, Việt Nam vẫn sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày một gay gắt từ các nước trong khu vực về việc thu hút đầu tư từ Trung Quốc.
Cũng theo hãng tin này, môi trường chính trị ổn định cùng lực lượng lao động trẻ, chi phí thấp, lớn thứ 3 trong số tất cả các quốc gia châu Á từ lâu đã là thế mạnh giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu trong khu vực. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, năm 2022, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ tư của Việt Nam, trong khi Mỹ vẫn giữ vị trí số một.
Đáng nói, các doanh nghiệp và chuyên gia thương mại đã dự báo về xu hướng thắt chặt quy tắc xuất xứ của các nhà nhập khẩu phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với các doanh nghiệp lấy linh kiện từ Trung Quốc nhưng tiến hành lắp ráp ở những nơi như Việt Nam để tránh bị đánh thuế.
Dù rằng việc thắt chặt quy tắc xuất xứ có thể áp dụng với cả những quốc gia khác, không chỉ riêng Việt Nam, nhưng theo giám đốc kinh doanh một khu công nghiệp của Malaysia, các quốc gia khác trong khu vực đang có thêm cơ hội để trở thành lựa chọn hấp dẫn với những nhà đầu tư từ Trung Quốc.
Ông chia sẻ: “Chúng tôi được nghe từ các doanh nghiệp Trung Quốc rằng họ đang tìm những địa điểm khác ngoài Việt Nam vì quy tắc xuất xứ hàng hóa đang bị giám sát ngày càng chặt chẽ tại quốc gia này, trong khi các nước Đông Nam Á khác lại chưa bị áp các quy định này”.
Mặc dù khu công nghiệp Malaysia đến nay mới chỉ thu hút sự quan tâm của một vài khách hàng Trung Quốc nhưng nhà quản lý này cho biết, kể từ đầu năm nay, ông đến Trung Quốc ít nhất mỗi tháng một lần để quảng bá và kêu gọi đầu tư.
“Thực tế là chúng tôi có cơ sở hạ tầng tương đối phát triển. Quan trọng nhất, lượng dân số nói tiếng Trung đông đảo cũng giúp chúng tôi trở thành một điểm đến hấp dẫn”, vị này nói thêm.
Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn chuyển dịch sản xuất sang khu vực Đông Nam Á, chi phí vẫn là mối quan tâm hàng đầu.
Ông Pan Junxian, chủ doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng ở tỉnh Giang Tô, đã tham dự Hội chợ nhằm tìm kiếm địa điểm tiềm năng với mục tiêu chuyển ít nhất 1/3 chuỗi sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc.
Theo ông Pan, bản thân khá bất ngờ khi biết rằng doanh nghiệp của mình chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 20% chi phí nhân công khi chuyển đến Việt Nam. Đồng thời, vị này phát hiện ra rằng, Thái Lan cũng là một lựa chọn hấp dẫn với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên tương đối rẻ.
“Nhà máy của tôi sẽ sử dụng nhiều điện nên tôi cần tính toán kỹ xem quốc gia nào có thể giúp tiết giảm chi phí”, ông nói.
Theo chia sẻ của ông Pan, nhà máy của ông từng hơn 100 nhân công nhưng đã phải sa thải hơn một nửa trong giai đoạn COVID-19. Vị này cho biết, bản thân đang tìm cách dần dần mở rộng quy mô kinh doanh trở lại nhưng ưu tiên hiện tại vẫn là cắt giảm chi phí và tìm thị trường xuất khẩu mới.
Ông Pan thừa nhận: “Tôi không tự tin vào việc mở rộng hoạt động kinh doanh của mình trong vài năm tới, trong bối cảnh nền kinh tế cả trong nước và quốc tế đều trì trệ như hiện nay”.
Tuy vậy, vị này cũng cho biết: “Nếu các công ty mua sản phẩm của chúng tôi rời khỏi Trung Quốc, tất nhiên chúng tôi cũng phải di chuyển theo”.