Cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc: Bỏ qua yếu tố giá
Lợi thế hàng Trung Quốc
Với lợi thế giá rẻ, mẫu mã phong phú, hàng hóa Trung Quốc đang cạnh tranh khốc liệt và trở thành nỗi “ám ảnh” của nhiều DN trong nước. Tại hội thảo “Cạnh tranh toàn cầu và hướng đi cho người khởi nghiệp” được tổ chức vào tháng 1/2014, TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh kể câu chuyện: Một DN Việt Nam có nhu cầu sản xuất một sản phẩm nồi đa năng. Họ đưa ra ý tưởng và thuê các kỹ sư của một trường đại học uy tín trong nước sản xuất. Theo đó, để sản xuất ra sản phẩm này, các kỹ sư của Việt Nam đã phải mất thời gian dài đến 2 năm với giá bán 2,1 triệu đồng/1 sản phẩm. Nhưng cũng ý tưởng đó DN này sang thuê các kỹ sư Trung Quốc thì chỉ sau 4 tiếng đồng hồ họ đã đưa ra 6 phiên bản khác nhau để DN lựa chọn với giá bán chỉ 210 ngàn đồng/1 sản phẩm.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, với lợi thế giá rẻ, mẫu mã phong phú, sức cạnh tranh của sản phẩm Trung Quốc mang tính “hủy diệt” không chỉ đối với DN nhỏ và vừa của Việt Nam mà ngay cả với những tập đoàn hàng đầu thế giới cũng khó có thể chống đỡ.
Không chỉ có lợi thế về mẫu mã, giá cả, theo TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, DN Trung Quốc rất sáng tạo trong việc đưa ra sản phẩm và khai thác thị trường. Khác với các DN Việt Nam, chỉ thích làm những thứ “hoành tráng” thì các DN Trung Quốc, không có khái niệm “Sản phẩm nhỏ mà chỉ có khái niệm thị trường lớn”.
Đó là lý do nhiều DN Trung Quốc đã tập trung vào những mặt hàng rất nhỏ và chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, ví dụ như sản phẩm đầu bút bi, khuy áo và cà vạt. Theo TS Trần Đình Thiên, hiện 80-90% sản phẩm đầu bút bi và khuy áo trên thế giới được sản xuất bởi các DN Trung Quốc,
Một lợi thế nữa của sản phẩm Trung Quốc, theo TS Trần Đình Thiên, đó là các DN Trung Quốc rất chịu khó tìm hiểu thị trường và văn hóa bản địa của thị trường mình sẽ xâm nhập. Thế mới có chuyện, dịp Tết Nguyên đán hàng năm, tại nhiều cửa hàng, siêu thị của Việt Nam rất nhiều những mặt hàng trang trí Tết, phong bao lì xì có xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán. Qua tìm hiểu của phóng viên Kinh tế Việt Nam, nhiều mặt hàng trang trí Tết có xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán ở siêu thị Big C còn xuất hiện dòng chữ “Chúc mừng năm mới”.
Cạnh tranh bằng cách nào?
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đặt DN Việt Nam đứng cạnh DN Trung Quốc là một thách thức lớn, giống như đứng cạnh “người khổng lồ”. Tuy nhiên trên thế giới, rất nhiều quốc gia nhỏ đứng cạnh “người khổng lồ” nhưng họ vẫn thành công bởi họ tìm được hướng đi cho mình, ví dụ như Canada đứng cạnh Mỹ hay Phần Lan đứng bên cạnh Liên Xô cũ.
Vấn đề của DN Việt Nam bây giờ là phải học cách thích nghi khi đứng bên cạnh “người khổng lồ”. Để thích nghi được, theo bà Phạm Chi Lan, DN Việt Nam hãy hợp tác và học hỏi những cách làm hay của Trung Quốc thay vì lúc nào cũng muốn cạnh tranh với họ. Bà Phạm Chi Lan nói: “Muốn cạnh tranh với DN Trung Quốc, DN Việt Nam cần đánh vào những điểm yếu của DN Trung Quốc”.
Bà Lan dẫn chứng, hàng Trung Quốc hầu hết cạnh tranh bằng giá rẻ và đại chúng, công nghệ chủ yếu là bắt chước nên chỉ phù hợp với một số đối tượng khách hàng bình dân. Đây là điểm mạnh, đồng thời cũng là điểm yếu của sản phẩm Trung Quốc. Nếu DN Việt Nam cũng sản xuất những sản phẩm có giá rẻ để cạnh tranh với DN Trung Quốc thì sẽ không thể cạnh tranh nổi, nhưng nếu DN Việt Nam biết khai thác vào những mảng thị trường có chất lượng tốt, thiết kế và kiểu dáng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng thì DN Trung Quốc khó mà cạnh tranh được với những sản phẩm này.
Cùng với quan điểm của bà Phạm Chi Lan, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - nói thêm, nếu cạnh tranh bằng giá cả, sẽ giết chết sự sáng tạo của chúng ta. Các DN Việt Nam phải cạnh tranh bằng mẫu mã, hiệu quả sản xuất và ý chí. Ngoài ra, để giúp DN cạnh tranh với hàng Trung Quốc, các cơ quan chức năng cũng kiểm soát chặt chẽ hơn nữa để hạn chế những sản phẩm kém chất lượng, độc hại đối với sức khỏe xâm nhập vào thị trường Việt Nam./.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 50,21 tỷ USD vào năm 2013, tăng 22% so với năm 2012, trong đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 36,95 tỷ USD, tăng 28,4% so với năm 2012 và chiếm 28% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2013. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2013 đạt 13,26 tỷ USD, tăng 7% và chiếm 10% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2013. Tính chung năm 2013, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 23,69 tỷ USD. |
Chu Hoà