Nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị thận trọng
Trong khi đó, vẫn có công ty cho rằng, diễn biến trước Tết thường kém tích cực nhưng sau Tết sẽ tích cực trở lại, vì vậy đây có thể là cơ hội cho nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng.
Ảnh minh họa: Minh Phương/Báo Tin tức |
Tâm lý nghỉ Tết
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhịp hồi phục của chỉ số VN-Index chậm lại và thận trọng trước vùng trung bình di động 50 ngày (MA50), tương đương vùng 1.478 điểm. Tuy nhiên, áp lực cản tạm thời vẫn chưa lớn nên thị trường đang trong trạng thái giằng co và thăm dò.
Diễn biến tăng giá trên thị trường vẫn đang có sự phân hóa mạnh, chỉ tập trung ở một số nhóm cổ phiếu nhất định nên mức độ ổn định của thị trường vẫn chưa tốt.
Dự kiến VN-Index vẫn tiếp tục thăm dò và vùng MA50 có thể gây áp lực cản cho chỉ số này. Do vậy, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, đồng thời quan sát diễn biến của thị trường tại vùng cản và đánh giá lại trạng thái của thị trường.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, tâm lý chung trên thị trường vẫn đang trong trạng thái tương đối “dè dặt” đối với nhóm cổ phiếu trụ cột, nhất là trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ và châu Á đều diễn biến tiêu cực. Mặt khác, thị trường đang trong giai đoạn giằng co và không có xu hướng rõ ràng trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Trong giai đoạn trước mắt, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể chủ động giảm tỷ trọng cổ phiếu và tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục, đồng thời tiếp tục theo dõi những thông tin tiếp theo về kinh tế vĩ mô trong nước cũng như diễn biến của đại dịch COVID-19 để lên kế hoạch cơ cấu lại danh mục cho cả năm 2022.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS cho biết, các chỉ báo đều cho thấy những tín hiệu giảm điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục hạ tỷ trọng cổ phiếu, chưa tham gia bắt đáy khi rủi ro thị trường vẫn ở mức cao.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết, tâm lý nghỉ Tết đã xuất hiện trong tuần giao dịch qua, thể hiện qua việc thanh khoản trong tuần suy giảm khá rõ nét với chỉ gần 27.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Cùng đó, bên bán cổ phiếu trước Tết chiếm ưu thế trước bên mua khiến cho VN-Index và HNX-Index giảm tuần thứ hai liên tiếp. Cụ thể, VN-Index giảm 23,13 điểm (-1,5%) xuống 1.472,89 điểm. HNX-Index giảm 49,02 điểm (-10,5%) xuống 417,84 điểm.
Cổ phiếu bất động sản tiếp tục là nhóm tiêu cực nhất trong tuần qua, khi giảm mạnh liên tiếp trong ba phiên đầu tuần và chỉ thực sự được giải cứu trong hai phiên cuối tuần.
Hàng loạt cổ phiếu ghi nhận mức giảm mạnh. Có thể kể đến các mã tiêu biểu như ITA giảm 1,9%, DXG giảm 2,3%, NLG giảm 6,4%, SCR giảm 6,6%, HQC và DRH giảm 7,7%, DIG và LDG đều giảm 7,8%, IDC giảm 8,5%, HAR giảm 9,7%, CEO giảm 11,8%, ROS giảm 19,6%, CII giảm 19,8%, FLC giảm 19,9%...
Trong tình hình tiêu cực của nhóm bất động sản thì cổ phiếu ngân hàng vẫn duy trì được xu hướng tích cực và là trụ cột của thị trường trong tuần qua để giúp các chỉ số không giảm mạnh. Có thể kể đến các đại diện như: MBB tăng 7,3%, VCB và BID tăng 7%, ACB tăng 1,2%, CTG tăng 0,3%...
Bên cạnh đó, nhóm dầu khí cũng có diễn biến tương đối tích cực với nhiều mã như: BSR và PVD tăng 7,8%, PVS tăng 5,7%, OIL tăng 5,4%, PVC tăng 2,5%...
Trong hoàn cảnh thị trường bị bán tương đối mạnh thì nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng bị ảnh hưởng đáng kể với nhiều mã giảm như: SHS giảm 13,7%, MBS giảm 10,2%, HCM và VND đều giảm 8,6%, SSI giảm 8,5%, VCI giảm 6,8%, FTS giảm 5,9%...
SHS cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm một tuần giao dịch kém tích cực nữa khi tâm lý nghỉ Tết đã xuất hiện khiến cho thanh khoản suy giảm đáng kể và áp lực bán cổ phiếu trước Tết đang áp đảo bên mua.
Nếu nhìn lại lịch sử các năm trước đó thì điều này là tương đối phổ biến khi mà diễn biến trước Tết thường kém tích cực nhưng diễn biến sau Tết sẽ tích cực trở lại. Theo thống kê, thị trường đã tăng 5/6 lần trong giai đoạn 2016-2021 (chỉ có năm 2020 là giảm do ảnh hưởng của COVID-19.
Điều này khiến cho việc thị trường điều chỉnh vào trước Tết sẽ là một cơ hội cho các nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng các cổ phiếu trong danh mục để tận dụng đà tăng có thể diễn ra sau Tết.
Dự báo trong tuần giao dịch cuối cùng của năm Tân Sửu, VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại với mục tiêu là vùng kháng cự gần nhất trong khoảng 1.475-1.490 điểm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh, trong bối cảnh tuần qua, các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng diễn biến tiêu cực.
Thị trường chứng khoán thế giới giảm điểm liên tiếp
Trong tuần giao dịch ngắn ngày do nghỉ lễ Martin Luther King, thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận chuỗi phiên giảm điểm liên tiếp, khép lại tuần giao dịch tồi tệ nhất trong hơn một năm qua.
Mối lo lạm phát kéo theo triển vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất tiếp tục là yếu tố chính “nhấn chìm” thị trường trong tuần qua.
Sau một đợt tăng ít gián đoạn, thị trường chứng khoán thế giới đang có dấu hiệu chững lại khi các thể chế tài chính toàn cầu chuyển hướng từ thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng sang kiềm chế lạm phát quá “nóng”.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng do kỳ vọng Fed sẽ phải công bố một số đợt tăng lãi suất trong năm nay để giải quyết đà tăng đáng lo ngại của lạm phát đã khiến Phố Wall đỏ sàn trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần này (18/1).