Nhiều cổ phiếu ngân hàng muốn chuyển giao dịch lên sàn HoSE
Nhóm cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh không quá mạnh trong nửa cuối năm Cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn sóng đầu năm 2023? |
Theo đó, đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, mã chứng khoán: VBB) và Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank, mã chứng khoán: BVB) đã thông qua tờ trình về việc chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCoM (sàn giao dịch chứng khoán dành cho các công ty chưa niêm yết) sang niêm yết cổ phiếu tại sàn HoSE.
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán. |
Ông Nguyễn Hữu Trung, Quyền Tổng Giám đốc Vietbank nhận định việc niêm yết trên thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu VBB có ý nghĩa quan trọng, minh chứng cho việc Vietbank ngày càng minh bạch trong hoạt động với vai trò là công ty đại chúng. Từ đó, nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của ngân hàng để thực hiện các mục tiêu chiến lược giai đoạn 2023 - 2025.
Trước đó, VietBank từng đặt mục tiêu niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE vào năm 2020. Tuy nhiên, sự cố quá tải, nghẽn lệnh liên tục tiếp diễn tại HoSE thời điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021 và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã khiến kế hoạch này nhiều lần bị trì hoãn.
Năm 2023, Vietbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 960 tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước. Tổng tài sản đạt 125.000 tỷ đồng, tăng 12%, trong đó dư nợ thị trường 1 (gồm cả trái phiếu doanh nghiệp) đạt 75.600 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Ngoài ra, Vietbank dự kiến tăng vốn thêm hơn 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 21%. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của ngân hàng tăng từ 4.777 tỷ đồng lên 5.780 tỷ đồng.
Còn với cổ phiếu BVB, "sau hơn 2 năm thực hiện giao dịch trên UPCoM, việc chuyển sàn giao dịch sang niêm yết cổ phiếu tại HoSE sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu của cổ đông, đồng thời hướng tới những bước đi vững chắc trong tương lai của ngân hàng", đại diện Bản Việt chia sẻ.
Cổ đông Bản Việt cũng thông qua kế hoạch đổi tên viết tắt tiếng Anh thành BVBank để thuận tiện trong việc gọi tên và các hoạt động truyền thông của ngân hàng.
Năm 2023, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 502 tỷ đồng, tăng 10%; tổng tài sản đạt 86.600 tỷ đồng, tăng 10%, huy động vốn từ tổ chức kinh tế (không bao gồm các tổ chức tín dụng) và dân cư đạt hơn 69.000 tỷ đồng, tăng 16%; dư nợ cấp tín dụng đạt gần 60.000 tỷ đồng, tăng 12% (tốc độ tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước).
Dự kiến trong ngày 28/4 tới đây, kế hoạch chuyển sàn giao dịch cũng sẽ được trình cổ đông thông qua tại đại hội của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, mã chứng khoán: ABB). Năm 2022, ABBank cũng từng trình cổ đông kế hoạch tương tự.
ABBank dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 2.826 tỷ đồng, tăng mạnh đến 68% so với năm 2022. Tổng tài sản dự kiến tăng 5%, đạt 136.816 tỷ đồng. Huy động thị trường 1 (từ cá nhân và tổ chức) tăng 2%, đạt 93.508 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng, bao gồm dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, ước tăng 10%, đạt 97.382 tỷ đồng và sẽ được điều chỉnh theo sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước từng thời kỳ. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Trước đó, cổ đông Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, mã chứng khoán: NAB) hồi tháng 3 vừa qua đã thông qua tờ trình về niêm yết cổ phiếu lên sàn HoSE hoặc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tùy theo điều kiện thị trường. Tương tự như ABBank, Nam A Bank từng trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết tại đại hội năm ngoái nhưng do điều kiện thị trường, kế hoạch này đã được hoãn lại nhằm đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.
Hiện có 17 ngân hàng đã niêm yết cổ phiếu trên HoSE, 2 ngân hàng niêm yết trên HNX, 8 ngân hàng đang giao dịch trên thị trường UpCOM và 3 ngân hàng giao dịch trên OTC.