Nhiều cơ hội cho mật ong Việt Nam xuất khẩu sang EU
90% mật ong xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ |
Phát biểu tại hội thảo “Duy trì và mở rộng thị phần cho mật ong Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu” được tổ chức mới đây, tại TP Hồ Chính Minh, ông Đinh Quyết Tâm, Phó chủ tịch Hội nuôi ong Việt Nam (VBA), hiện 90% mật ong xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ, và chỉ 5% dành cho châu Âu trong khi nhu cầu hai thị trường này tương đương. “Điều quan trọng là hiện tại sản lượng sản xuất mật ong ở Châu Âu đang sụt giảm và đó là cơ hội lớn cho các nhà nuôi ong từ các quốc gia như Việt Nam” – ông Tâm nhận định.
Theo VBA, sản lượng mật ong của Việt Nam trong năm 2016 đạt gần 50.000 tấn, xuất khẩu 40.174 tấn trong đó xuất khẩu đi châu Âu chỉ có 1.330 tấn.
Tính từ đầu năm đến 15/9/2017, Việt Nam đã xuất khẩu 29.000 tấn mật ong các loại, trong đó thị trường châu Âu chỉ 1.469 tấn. Dù lượng xuất khẩu vào châu Âu trong 10 tháng đầu năm 2017 đã vượt qua số lượng của cả năm 2016 nhưng thị trường này vẫn chỉ chiếm một tỉ lệ khiêm tốn (5%) trong cơ cấu xuất khẩu mật ong của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, thị trường châu Âu hiện tại vẫn là khách hàng lớn nhất toàn cầu về mật ong. Châu Âu chiếm 22% tổng tiêu thụ toàn cầu, trong đó Đức đứng đầu, chiếm 23% tổng số mật ong tiêu thụ ở châu Âu (khoảng 85.000 tấn), Anh khoảng 12%, Pháp 10%...
Đại diện của Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (EU-MUTRAP) cho hay, do chị phí lao động tại EU cao và hiện tượng suy giảm số lượng đàn ong tại Châu Âu, EU trở thành thị trường đầy hứa hẹn đối với mật ong từ các nước đang phát triển. Mặc dù trong những năm gần đây, nền kinh tế Châu Âu có dấu hiệu sụt giảm, tuy nhiên mật ong vẫn được tiêu thụ với khối lượng lớn, khoảng 247.700 tấn.
Ông Đinh Quyết Tâm cho biết, dù được EU cho phép xuất khẩu trở lại vào năm 2013 nhưng lượng mật ong Việt Nam sang thị trường này còn nhiều hạn chế vì các yếu tố về chất lượng như nấm men, dư lượng thức ăn, màu sắc.... Nguyên nhân là người dân thu hoạch mật ong khi mật chưa đủ độ chín, dùng thức ăn bổ sung không đúng cách, thiếu hiểu biết về chất lượng và xu hướng thị trường là không GMO (thực phẩm biến đổi gen).
Vì vậy, để tăng cường xuất khẩu mật ong vào EU trong thời gian tới, các nhà nuôi ong và chế biến mật ong tại Việt Nam cần khắc phục các điều kiện này.
Theo ông Nikolaus Bieger - Chuyên gia quốc tế của Dự án EU-MUTRAP, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc là một vấn đề chính trong các quy định về thực phẩm của EU. Doanh nghiệp phải tuân thủ yêu cầu bắt buộc này. Đặc biệt, Liên minh châu Âu đã đặt ra mức dư lượng tối đa (MRLs) đối với thuốc trừ sâu trong các sản phẩm thực phẩm. Đây là vấn đề các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm.
Bên cạnh đó, việc nuôi ong bằng đậu nành cũng gây ô nhiễm mật ong. Do đó, các nhà sản xuất mật ong phải cải thiện phương thức sản xuất ong để có sản phẩm chất lượng hơn.
“Chúng tôi sẽ đánh giá cao nếu các bạn có thể cải thiện chất lượng mật ong nhiều hơn nữa bởi chúng tôi thấy mật ong Việt Nam có tiềm năng thâm nhập vào thị trường EU. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cần có chiến lược để cải thiện phương thức hoạt động của các nhà sản xuất mật ong”- ông Nikolaus Bieger nhấn mạnh./.