Nhập khẩu đậu tương của Việt Nam: Tăng lượng, giảm giá
Giá đậu tương có thể tiếp tục đi ngang trong phiên hôm nay Giá đậu tương xuống thấp nhất từ tháng 2/2024 Giá đậu tương chạm mức cao nhất 3 tuần |
Việt Nam đang là quốc gia nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 và nhập khẩu đậu tương lớn thứ 9 trên thế giới. Trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta tiêu thụ trung bình gần 2 triệu tấn đậu tương. Nhờ giá đậu tương giảm cùng với giá lợn hơi tăng cao, người chăn nuôi được hưởng lợi kép từ đầu năm đến nay.
Trong 2 năm qua, giá đậu tương được giao dịch liên thông trên Sở Giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã giảm hơn 37%. Từ đầu năm nay, giá mặt hàng này cũng đã giảm gần 13%, hiện đang ở vùng giá thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Việt Nam đang là quốc gia nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 và nhập khẩu đậu tương lớn thứ 9 trên thế giới. |
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu đậu tương của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 988.564 tấn, trị giá gần 522,1 triệu USD, giá trung bình 528,1 USD/tấn, tăng 12,6% về lượng, nhưng giảm 11,2% kim ngạch và giảm 21,2% về giá so với 5 tháng đầu năm 2023.
Riêng tháng 5/2024, nhập khẩu đạt 225.917 tấn, tương đương 114,34 triệu USD, giá trung bình 506,1 USD/tấn, tăng 1,4% về lượng, tăng 2,7% kim ngạch so với tháng 4/2024 và giá tăng 1,3%; so với tháng 5/2023 tăng mạnh 60,3% về lượng, tăng 32,4 % về kim ngạch nhưng giảm 17,5% về giá.
Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp đậu tương cho Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024, chiếm gần 57,8% trong tổng lượng và chiếm 55,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, đạt 571.686 tấn, tương đương gần 290,27 triệu USD, giá 507,8 USD/tấn, tăng 65,2% về lượng, tăng 31,7% kim ngạch nhưng giảm 20,3% về giá so với 5 tháng đầu năm 2023.
Thị trường lớn thứ 2 là Mỹ, trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 332.464 tấn, tương đương 182,7 triệu USD, giá 549,5 USD/tấn, chiếm 33,6% trong tổng lượng và chiếm 35% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, giảm 25,2% về lượng, giảm 40,2% về kim ngạch và giá giảm 20% so với 5 tháng đầu năm 2023.
Đứng thứ 3 là thị trường Canada, 5 tháng đầu năm 2024 đạt 47.731 tấn, tương đương 29,28 triệu USD, giá 613,5 USD/tấn, chiếm 4,8% trong tổng lượng và chiếm 5,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, giảm 8,1% về lượng, giảm 24,7% về kim ngạch và giá giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, Campuchia đang là bạn hàng tích cực nhất của Việt Nam. Cụ thể, nhập khẩu từ thị trường Campuchia trong tháng 5/2024 đạt 407 tấn, tương đương 286,15 nghìn USD. Trong khi đó, tháng 5/2023, Việt Nam không thực hiện nhập khẩu từ quốc gia này.
Tính chung 5 tháng, nhập khẩu từ thị trường Campuchia đạt 3.322 tấn, tương đương 2,4 triệu USD, giá 719,8 USD/tấn, tăng gần 938,1% về lượng, tăng 851,6% kim ngạch nhưng giá giảm 8,3% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, những diễn biến phức tạp trên trường quốc tế, đặc biệt là xung đột địa chính trị tại biển Đen và Trung Đông, đang khiến an ninh lương thực trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc.
Là quốc gia đông dân số nhất thế giới với ngành chăn nuôi heo quy mô lớn, Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ đậu tương khổng lồ để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nhu cầu này càng gia tăng mạnh mẽ trong bối cảnh ngành chăn nuôi heo của nước này đang phục hồi sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi.
Để đáp ứng nhu cầu nội địa, Trung Quốc buộc phải đẩy mạnh nhập khẩu đậu tương từ thị trường quốc tế. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, chiếm hơn 60% tổng lượng giao dịch toàn cầu. Nhu cầu nhập khẩu đậu tương khổng lồ của Trung Quốc đang tác động mạnh mẽ đến thị trường toàn cầu. Giá đậu tương đã tăng mạnh trong thời gian gần đây, do nguồn cung hạn chế và nhu cầu cao.
Biến động giá đậu tương cũng ảnh hưởng đến giá thịt heo và các sản phẩm thịt chế biến khác. Điều này đặt ra thách thức cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm.
Việt Nam là một trong những nhà cung cấp đậu tương cho Trung Quốc. Tuy nhiên, sản lượng đậu tương trong nước còn hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa. Do đó, Việt Nam cũng phải nhập khẩu một lượng lớn đậu tương từ các nước khác.
Giá đậu tương tăng cao cũng ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi heo của Việt Nam do đây là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.