Nhận định chứng khoán 7/10: Thử thách lại mốc 1.300 điểm
VN-Index duy trì chuỗi phiên giảm điểm liên tiếp trong ngày giao dịch cuối tuần 4/10 với điểm số sụt giảm đóng cửa ở gần mức thấp nhất. Cụ thể, thị trường chứng khoán tuần qua đã hứng chịu 4/5 phiên giảm điểm, thổi bay mọi nỗ lực tăng điểm của tuần trước đó. Áp lực chốt lời gia tăng mạnh mẽ cũng khiến VN-Index có tới 3 lần kiểm định bất thành ngưỡng 1.300 điểm.
Điểm tích cực nhất trong phiên là thanh khoản sụt giảm khá mạnh nên áp lực bán tháo chưa xảy ra, khối lượng khớp lệnh trên HSX thấp nhất trong 7 phiên trở lại đây và sụt giảm (-5,45%) so với mức trung bình 20 phiên.
Kỳ vọng VN-Index sẽ quay lại đà tăng nhờ sự phục hồi của các nhóm ngành đủ sức dẫn dắt như bất động sản hoặc ngân hàng. Ảnh chụp màn hình |
Tiếp tục tuần thứ 3 có sự bùng nổ mạnh về giá trị giao dịch, tuy nhiên sự bùng nổ mạnh trong tuần qua mang nhiều tín hiệu tiêu cực khi gần như các nhóm ngành đều sụt giảm mạnh. Đáng chú ý là các nhóm ngành nhựa (-4,49%), với giá trị giao dịch đột biến tăng (+55%) so với tuần trước và có khả năng cao sẽ duy trì xu hướng giảm trong tuần tới.
Kết tuần, VN-Index giảm 20,32 điểm so với tuần trước, tương ứng 1,57% xuống mức 1.270,6 điểm, HNX-Index giảm 1,29% xuống 236,67 điểm và UPCoM-Index giảm 1,6% xuống mức 92,4 điểm.
Các nhân tố chính hỗ trợ thị trường là VPB tăng 1,3%, VCB tăng 6,2% và SSB tăng 2,9%. Ngược lại, VHM giảm 4,4%, CTG giảm 3,8% và VIC giảm 3,5% là các mã gây áp lực lên chỉ số.
Dòng tiền vẫn tập trung vào các ngành như ngân hàng, bất động sản và dịch vụ tài chính. Thanh khoản tuần này giảm 4,2% xuống 18.542 tỷ đồng/phiên.
Khối ngoại bán ròng 92,9 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần, trong đó mua ròng 444,7 tỷ đồng trên HoSE, bán ròng 295,1 tỷ đồng trên HNX và bán ròng 242,5 tỷ đồng trên UPCoM.
Theo nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) cho rằng trong xu hướng ngắn hạn, chỉ số VN-Index đang chuyển sang trạng thái điều chỉnh với kháng cự 1.290 điểm, giá mở đầu tháng 10/2024, trên vùng hỗ trợ gần nhất 1.265 điểm, tương ứng với đường xu hướng ngắn hạn nối các vùng giá thấp nhất tháng 08, 09/2024).
"Trong trường hợp tích cực, chỉ số cần phục hồi tốt ở vùng hỗ trợ này thì vẫn tiếp tục tích lũy trong vùng 1.280-1.300 điểm", chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC), dòng tiền giảm xuống mức thấp nhất trong 8 phiên gần đây khi chỉ số tiếp tục chịu sức ép giảm điểm từ phe bán, đóng cửa tuần về sát vùng hỗ trợ 1.268 điểm.
Theo đó, tâm lý thận trọng gia tăng, lực cầu do dự khi nhóm cổ phiếu lớn bị rút ròng khá mạnh. Thị trường có xu hướng rung lắc mạnh quanh vùng giá hiện tại, lực xu hướng yếu và chưa có phản ứng mạnh tại vùng hỗ trợ làm gia tăng lo ngại về khả năng đạt được mức cân bằng trở lại của chỉ số.
Do vậy, trong ngắn hạn, theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên cẩn trọng, quan sát diễn biến các thị trường quốc tế và thông tin về chiến sự tại Trung Đông để quản trị tốt rủi ro từ sự chưa rõ ràng của xu hướng, đồng thời nên chờ tín hiệu xác nhận tốt hơn trong các phiên tới.
“Chúng tôi duy trì quan điểm đánh giá tốt về triển vọng thị trường trung và dài hạn, do đó nhà đầu tư nên tập trung vào nhóm cổ phiếu có nền tảng tốt và có xác nhận kết quả kinh doanh tích cực trong giai đoạn tới, sẵn sàng lượng tiền mặt để giải ngân khi các cổ phiếu này về mức hấp dẫn. Nhà đầu tư có thể mua khi chỉ số duy trì cân bằng trở lại trên mốc 1.268 điểm và có tín hiệu cải thiện tích cực về dòng tiền, xu hướng. Đồng thời, có thể giảm tỷ trọng khi chỉ số chung phá xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 1.263 điểm”, chuyên gia của ASEANSC chia sẻ.