Nhận định chứng khoán 14/10: Triển vọng nhóm bank, chứng, thép dẫn dắt thị trường
Đóng cửa tuần giao dịch từ 7/10-11/10, chỉ số VN-Index ở mức 1.288,39 điểm +17,79 điểm (+1,40%). Thị trường chứng khoán nỗ lực lấy lại nhịp độ bứt phá với 4/5 phiên tăng điểm trong tuần qua. Trên biểu đồ kỹ thuật, chỉ số VN-Index kết tuần tăng gần 18 điểm và có tuần thứ 3 liên tiếp sideway quanh vùng 1.260-1.300 điểm.
Nhóm cổ phiếu trụ đóng vai trò nâng đỡ thị trường trong tuần qua, chỉ số VN30 bật tăng hơn 26 điểm góp công lớn vào đà hồi phục của thị trường.
Điểm trừ đến từ thanh khoản giao dịch khi sự thận trọng kéo thanh khoản khớp lệnh về dưới mức bình quân 20 phiên giao dịch. Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh. Cụ thể, thanh khoản trên cả 2 sàn tuần này sụt giảm so với tuần giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh -26,23% tại HOSE và -28,05% tại HNX.
VN-Index đóng cửa ở mức 1.288,39 điểm +17,79 điểm. Ảnh chụp màn hình |
Bên cạnh đó, khối ngoại quay lại đà bán ròng với -316,36 tỷ đồng tại HOSE tập trung tại mã VPB (-525,47 tỷ), HDB (-260,31 tỷ), VHM (-226,49 tỷ) và MWG (-206,62 tỷ)...ở chiều ngược lại, mua ròng TCB (+572,77 tỷ), MSN (+517 tỷ)...
Ngoài ra, bán ròng tuần này từ khối ngoại cũng diễn ra trên sàn HNX với -287,83 tỷ đồng, tập trung tại các mã SHS (-120,41 tỷ), PVS (-108,56 tỷ) và IDC (-31,67 tỷ), chiều mua ròng nổi bật với VC3 (+8,08 tỷ), PVI (+7,57 tỷ), HUT (+2,68 tỷ)...
Độ rộng thị trường phiên cuối tuần nghiêng về bên mua với 172 cổ phiếu tăng giá, 66 cổ phiếu tham chiếu, 123 cổ phiếu giảm giá tại HOSE. HNX giao dịch với 66 cổ phiếu tăng giá, 69 cổ phiếu tham chiếu và 73 cổ phiếu giảm giá.
Độ mở thị trường nhanh chóng lấy lại sắc xanh với 17/21 nhóm ngành tăng điểm. Trong đó bứt tốc mạnh mẽ trong tuần qua phải kể đến các nhóm ngành như: Hàng không (+8,31%), Công nghệ viễn thông (+4,20%), Thép (+3,64%),... Ở chiều ngược lại, áp lực bán vẫn phủ bóng lên các nhóm ngành: Hàng tiêu dùng (-2,36%), Bán lẻ (-1,40%), Điện (-0,61%), Dầu khí (-0,02%).
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định trong trường hợp tích cực khi VN-Index vẫn duy trì được xu hướng tăng ngắn hạn sẽ có thể kỳ vọng lên lại kháng cự 1.300 điểm trong tuần này 14/10 – 18/10.
Cụ thể, với xu hướng ngắn, VN-Index tăng trưởng trên vùng hỗ trợ quanh 1.275 điểm, tương ứng giá trung bình 20 phiên hiện nay với mục tiêu quay trở lại kiểm tra kháng cự rất mạnh, tâm lý 1.300 điểm. Tuy nhiên, hiện tại VN-Index biến động trong biên độ hẹp 1.280 điểm -1.300 điểm và cần chờ thêm diễn biến của thị trường khi tiến gần tới vùng kháng cự nói trên.
Xu hướng trung hạn, VN-Index tăng trưởng trên vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm, hướng đến vùng giá 1.300 điểm, mở rộng lên 1.320 điểm. Trong đó, 1.300 điểm - 1.320 điểm là các vùng kháng cự rất mạnh, đỉnh giá tháng 6-8/2022 và đỉnh giá các tháng đầu năm 2024.
Kỳ vọng VN-Index sẽ vượt lên vùng giá 1.300 điểm để hướng đến các vùng giá cao hơn 1.320 điểm - đây là vùng kháng cự có tính chất cơ bản, thị trường chỉ có thể vượt qua các vùng kháng cự mạnh này khi có các yếu tố hỗ trợ vĩ mô tốt, kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt trội.
“Nhà đầu tư không nên mua đuổi khi VN-Index tiếp tục hướng đến 1.300 điểm, cần duy trì tỉ trọng hợp lý, tỉ trọng dưới mức trung bình, dòng tiền mới vẫn có thể xem xét cân nhắc, gia tăng tỉ trọng khi thị trường đang trong giai đoạn đón nhận thông tin kết quả kinh doanh.
Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt, kết quả kinh doanh quí II tăng trưởng tốt, triển vọng kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng tích cực”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.
Theo Công ty Chứng khoán kiến thiết Việt Nam (CSI), CSI vẫn duy trì kỳ vọng VN-Index sẽ vượt qua ngưỡng tâm lý 1.300 điểm và hướng tới mốc kháng cự (1.320 – 1.330) điểm, tuy vậy với diễn biến hiện tại thị trường chắc cần thêm thời gian để tích lũy thêm động lượng.
"Dù đã có 4 phiên tăng điểm liên tiếp, nhưng xu hướng chủ đạo là đi ngang, Sideway trong biên độ hẹp.
Với diễn biến hiện tại thị trường chắc cần thêm thời gian để tích lũy thêm động lượng. Do tín hiệu xác nhận chưa rõ nét nên nhà đầu tư cần hạn chế mở thêm vị thế mua mới, song tiếp tục túc tắc tăng dần tỷ trọng ở các mã đã có lợi nhuận trong danh mục. Huy động hết tổng lực mua thì cần chờ thêm tín hiệu xác nhận rõ ràng mới hành động”, chuyên gia CSI chia sẻ.
Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán ASEAN (ASEANSC) nhận định tâm lý thận trọng xuất hiện khi chỉ số tiếp cận lại vùng cản 1.292 -1.300 điểm do thanh khoản suy giảm khá mạnh trong phiên cuối tuần. Bên cạnh đó, khả năng bứt phá chưa thực sự rõ ràng do lực xu hướng còn yếu và sự đồng thuận chưa cao.
“Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng ở mức trung bình, tránh tâm lý mua đuổi, cơ cấu danh mục tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và kết quả kinh doanh quý 3 tích cực, sẵn sàng lượng tiền mặt để giải ngân khi các cổ phiếu lớn về mức hấp dẫn”, nhóm phân tích của ASEANSC lưu ý.