Phổ cập hóa đơn điện tử: Cần giải pháp đồng bộ
Việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang HĐĐT đang gặp phải nhiều rào cản |
Sử dụng HĐĐT giúp DN giảm 70% quy trình, thủ tục phát hành, rút ngắn thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn thuận tiện, tiết kiệm chi phí. Đồng thời, giúp cơ quan thuế quản lý hiệu quả, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy thương mại điện tử...
Tuy nhiên, tại Diễn đàn Tháo gỡ vướng mắc triển khai HĐĐT, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Thuế tổ chức ở Hà Nội mới đây, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI - cho biết: Đa số DN chưa triển khai HĐĐT là vì còn lo ngại có nhiều vướng mắc, công tác quản lý chưa đồng nhất, chưa có hướng dẫn chi tiết cả về kỹ thuật lẫn nội dung. Ngoài ra, chưa đến hạn bắt buộc sử dụng HĐĐT nên các DN có tâm lý chờ, xuất phát từ việc chưa hiểu hết lợi ích nó mang lại, ngại ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều DN quan ngại về mức độ an toàn, bảo mật của HĐĐT trên môi trường internet. Chính vì vậy, mặc dù số lượng HĐĐT đã được sử dụng tăng mạnh trong thời gian qua, nhưng tỷ trọng cũng mới chiếm khoảng từ 25 - 30%.
Chi phí áp dụng HĐĐT vẫn cao hơn nhiều so với tự in hóa đơn. Đó cũng là lý do vẫn ít DN lựa chọn sử dụng HĐĐT. Áp dụng HĐĐT cần phải có hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông tốt, nhưng không phải DN nào cũng sẵn sàng đáp ứng ngay được. DN phải chủ động tìm kiếm nhà cung cấp dịch vụ HĐĐT đủ năng lực, uy tín về nghiệp vụ.
Bà Nguyễn Hoài Hương - đại diện Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng (GAET) - cho biết, mặc dù Nghị định 119/2018/NĐ-CP về HĐĐT đã được ban hành từ ngày 12/9/2018, nhưng vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn, gây khó khăn cho DN khi thực hiện. Chẳng hạn, liên quan đến chữ kỹ số trên HĐĐT có bắt buộc thể hiện ngày ký hay không, GAET đã có văn bản hỏi Tổng cục Thuế, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn.
Đối với hóa đơn giấy, nếu có sai sót chỉ cần lập biên bản điều chỉnh và xuất hóa đơn điều chỉnh. Nhưng với HĐĐT, nếu điều chỉnh 2 nội dung thì phải xuất 2 hóa đơn, khách hàng sẽ khó chấp nhận việc sai sót trên hóa đơn gốc nhưng lại đi kèm 2 hoặc 3 hóa đơn điều chỉnh.
Sử dụng HĐĐT là yêu cầu tất yếu trong phát triển thương mại hiện đại, minh bạch, cần làm, nên làm và phải làm. Để HĐĐT trở nên phổ cập, triển khai đúng lộ trình, rất cần sự nỗ lực của cơ quan quản lý, của các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số, nhằm thay đổi nhận thức, tư duy của người dân và cộng đồng DN.
“Cơ quan quản lý cần đồng hành cùng DN thực hiện HĐĐT đúng lộ trình. Cần có một báo cáo, đánh giá cụ thể về những vướng mắc của DN trong thực hiện HĐĐT, khẩn trương xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 119/2018/NĐ-CP, nhằm tháo gỡ khó khăn cho cả DN và cơ quan quản lý” - ông Hoàng Quang Phòng kiến nghị.
Để phổ biến hóa đơn điện tử 100% tại các DN, Tổng cục Thuế cần chỉ đạo quyết liệt cục thuế các tỉnh, thành phố triển khai đến các DN trên địa bàn, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, tổ chức các hội nghị tập huấn hướng dẫn áp dụng HĐĐT cho các DN. Tạo sự kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý để giải quyết các vấn đề về chi phí và lộ trình áp dụng. Củng cố tốt hạ tầng, bảo đảm kỹ thuật, giúp cho DN áp dụng HĐĐT thuận lợi cũng như giúp cho quá trình triển khai được nhanh chóng.
Cần có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho các DN vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nhất là tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn về kinh phí đào tạo, thậm trí hỗ trang thiết bị ban đầu để họ có điều kiện triển khai HĐĐT.
Tổng cục Thuế cần phải đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi đến các DN về lợi ích, cũng như sự thuận lợi khi áp dụng HĐĐT, phối hợp với các nhà cung cấp hướng dẫn cụ thể, chi tiết các bước chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và các thao tác lập, sử dụng HĐĐT cho người nộp thuế. Cơ quan thuế các cấp cần thành lập tổ triển khai, các bộ phận chức năng và công bố các số điện thoại hỗ trợ trực tiếp cho người nộp thuế trong quá trình thực hiện HĐĐT.
Đồng thời, phối hợp với các nhà cung cấp phần mềm HĐĐT có uy tín để tăng cường và nâng cao tính bảo mật dữ liệu, sẵn sàng hỗ trợ DN chưa chuyển đổi hay các DN lo ngại về vấn đề bảo mật tin tưởng chuyển sang sử dụng HĐĐT.
Tập quán và thói quen trong nhiều năm sử dụng hóa đơn giấy trong giao dịch, mua bán không dễ thay đổi. Bên cạnh đó, một bộ phận DN, hộ kinh doanh làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng nguồn nhân lực yếu kém… sẽ là rào cản cho việc áp dụng HĐĐT. |