Nguyễn Tử Quảng: Từ hiệp sĩ máy tính đến giấc mộng đổi thay nền công nghệ Việt
Bkav đào tạo chuyên gia an ninh mạng cho Cuba đến năm 2017 Bkav tham vọng đưa Bphone sang thị trường Mỹ và Ấn Độ |
Khởi nguồn của “hiệp sĩ máy tính”
Nguyễn Tử Quảng sinh năm 1975 là người con huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ngay từ khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, ông đã bộc lộ sự ham học và tố chất thông minh thiên bẩm, suốt những năm tháng đi học ông luôn là một học sinh giỏi, đạt nhiều thành tích học tập xuất sắc.
Ông từng đỗ vào lớp chuyên Toán hệ trung học phổ thông thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau khi hoàn thành chương trình phổ thông tiếp tục thi đỗ vào trường Đại học Bách Khoa – Hà Nội, chính thức ghi danh thành sinh viên của khoa Công nghệ Thông tin.
CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng |
Sớm có cơ hội được tiếp xúc với những chiếc máy vi tính hiện đại đầu tiên tại Việt Nam ngay từ những ngày còn học phổ thông đến khi lên đại học tiếp tục theo học chuyên ngành tin học và là một trong những sinh viên đầu tiên sở hữu máy tính, ông Quảng đã có một khoảng thời gian đủ để làm quen và nghiên cứu sâu hơn những điều tuyệt vời mà phát minh vĩ đại này đem lại.
Mùa hè năm 1995, chàng trai Nguyễn Tử Quảng khi ấy mới chỉ là sinh viên năm thứ 3 khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã bắt đầu phát triển các chương trình chống virus.
“Tôi đã viết phần mềm diệt virus BKAV và cung cấp miễn phí cho tất cả người sử dụng máy tính tại Việt Nam. Đơn giản vì tôi thấy đó là việc hữu ích cho xã hội” – ông Quảng từng nói.
Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành giảng viên trường Đại học Bách Khoa và cùng các cộng sự là những giảng viên, sinh viên thực hiện công việc nghiên cứu phần mềm diệt virus hỗ trợ cho người dùng
Tuy nhiên công việc lao động bằng trí óc này khi gặp phải những con virus tinh vi, độc hại thậm chí có phần nguy hiểm đã nhiều lần làm hao tổn trí lực của ông Quảng cùng các cộng sự. Dẫu vậy, ông chưa từng có phút giây nào “giương cờ trắng” trong quá trình nghiên cứu này. Tháng 11/1998, là sự kiện luôn được nhắc nhớ trên hành trình miệt mài nghiên cứu của ông.
Khi ấy, nhiều máy tính tại Việt Nam đã bị xóa dữ liệu bởi virus mang tên “Date” – một loại virus xóa dữ liệu trên đĩa cứng vào một ngày nhất định và gây ảnh hưởng tới người dùng. Hành vi của virus này được cho rằng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới một số cơ quan hoạt động tại Việt Nam bao gồm các văn phòng, bưu điện, ngân hàng.
Qua nghiên cứu, phân tích mã lệnh, ông Quảng chắc chắn virus “Date” sẽ xóa dữ liệu của người dùng vào ngày 25/11. Để sự cố này không lặp lại trong năm 1998, khi ấy, ông đã đưa ra quyết định táo bạo buộc phải lên sóng truyền hình để cảnh báo về virus này, mặc cho sự lo lắng hồi hộp của bản thân bởi nếu xảy ra xác suất hi hữu virus không xóa dữ liệu thì cả danh tiếng của ông cùng cộng sự và đội ngũ bản tin sẽ đổ sông đổ bể.
CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng đưa ra lời cảnh báo về virus Date trên truyền hình |
“Khi đưa ra cảnh báo, tôi chắc chắn nó xảy ra nhưng cũng không khỏi hồi hộp. Cũng có sự nghi hoặc của xã hội liệu điều này có xảy ra hay không. Ngày hôm sau, hàng loạt cơ quan, doanh nghiệp đã bị xóa dữ liệu. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đã tránh được hậu quả nhờ vào bản tin cảnh báo nói trên. Những gì hữu ích cho xã hội có cơ sở khoa học dù đôi khi bất lợi hay điều tiếng cho mình tôi cũng chấp nhận” – ông Quảng từng chia sẻ.
Dám đánh cược danh tiếng, vượt lên sự hoài nghi của xã hội, để đổi lại sự an toàn cho các dữ liệu mạng tại Việt Nam, chàng trai Nguyễn Tử Quảng năm ấy đã thành công trong việc chặn đứng virus nguy hiểm, và khởi nguồn của biệt danh hiệp sĩ máy tính cũng ra đời từ lúc đó trong niềm tin, sự tín nhiệm của người Việt.
Tiên phong khẳng định sản phẩm Việt
Đến những năm 2000, Internet ở Việt Nam bắt đầu phổ cập rộng rãi, máy tính nhiều hơn, virus máy tính và các vấn đề an ninh mạng cũng theo đó mà bùng nổ. Công việc của ông bắt đầu quá tải vì không thể thêm cộng sự nhưng các đề nghị trợ giúp lại quá nhiều.
Và sau đúng 10 năm cung cấp miễn phí phần mềm diệt virus BKAV, đến năm 2005, phần mềm này chính thức được thương mại hóa trong kỳ vọng của ông cùng đồng đội rằng sẽ có nguồn lợi nhuận để tái đầu tư mở rộng sự hỗ trợ tới cộng đồng.
“Sau khi thương mại hóa, tôi nhận ra mình có thể làm tốt hơn thế. Việt Nam có thể sản xuất sản phẩm công nghệ cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn công nghệ thế giới” – ông Nguyễn Tử Quảng bày tỏ.
Phát ngôn này đã khiến dư luận dậy sóng và cho rằng ông đang đánh giá quá cao vào công nghệ Việt Nam thời bấy giờ. Bỏ ngoài tai những bàn tán tiêu cực, năm 2009 đã đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của ông và cộng sự khi BKAV từ một công ty phần mềm thành một tập đoàn công nghệ, quyết định tiến tới sản xuất smartphone. Lần này, không phải là một phần mềm diệt virus như mọi khi mà là một sản phẩm có thể nhìn thấy, có thể cầm được để người dùng thực sự được tận tay trải nghiệm.
Bước chuyển mình này ngoài việc để khẳng định phát ngôn của mình là có cơ sở, còn là để ông hiện thực hóa giấc mộng thay đổi nền công nghệ Việt Nam, khẳng định niềm tin vào năng lực của con người Việt có thể sản xuất những sản phẩm công nghệ để cạnh tranh với các tập đoàn công nghệ hàng đầu và gạt bỏ đi định kiến công nghệ Việt phải hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài.
“Việt Nam cần xóa bỏ định kiến là người Việt không thể làm ra những sản phẩm cạnh tranh với những nước hàng đầu. Kết quả 10 năm qua BKAV đã là ví dụ điển hình. Và chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến trường kỳ này” - vị CEO từng khẳng định.
CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng tại sự kiện ra mắt Bphone vào tháng 5/2015 |
Sau một thời gian thiết kế và nghiên cứu, với hàng loạt bản chỉnh sửa, ngày 26/5/2015, trên sân khấu Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Bphone lần đầu tiên “trình làng” trước công chúng, dòng smartphone được giới thiệu là điện thoại cao cấp đầu tiên do người Việt làm ra.
8 năm kể từ khi chiếc Bphone thế hệ đầu tiên ra đời, BKAV đã tung ra nhiều rất nhiều mẫu mới, gần nhất là chiếc Bphone A85 5G được ra mắt hồi tháng 4/2022. Doanh nghiệp này còn rộng sang lĩnh vực sản xuất tai nghe không dây với dòng sản phẩm AirB.
Tiên phong tạo ra sản phẩm công nghệ được làm bằng sức lao động và trí óc người Việt không phải để gây tiếng vang trong sự nghiệp của bản thân mà hơn cả là kỳ vọng của CEO Nguyễn Tử Quảng vào cách mạng công nghiệp tại nước nhà, khát khao thay đổi định kiến và tư duy người dùng Việt để hướng tới tầm nhìn xa hơn Việt Nam có thể bùng nổ, trở thành một cường quốc công nghệ.