Nghịch lý chợ nổi Cái Răng khách tăng, thương hồ giảm
Nhộn nhịp chợ nổi Cái Răng ngày áp Tết Tạo điểm độc lạ tại chợ nổi Cái Răng để thu hút khách du lịch |
Không gian trầm lắng chợ nổi Cái Răng
Chợ nổi Cái Răng nằm trên một nhánh của dòng sông Hậu chảy qua quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Chợ nổi Cái Răng họp từ rất sớm, khi trời còn giăng sương lờ mờ mặt sông, hàng trăm chiếc ghe thuyền từ khắp các ngả sông đã rộn ràng kéo về chợ nổi. Du khách không khỏi choáng ngợp trước cảnh hàng chục chiếc ghe đậu san sát nhau kín cả dòng sông cùng với những hoạt động mua bán diễn ra tấp nập, không khí vô cùng nhộn nhịp tươi vui mang đậm phong vị miền Tây.
Chợ nổi Cái Răng - nét văn hóa của người miền Tây |
Thế nhưng thời hoàng kim đó của chợ nổi Cái Răng đã qua, thay vào đó là sự trầm lắng, hình ảnh những thương hồ neo chân vịt uể oải đợi người mua hàng. Chủ yếu là những chiếc ghe đưa khách du lịch, buôn bán thức ăn, nước uống ngược xuôi.
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cần Thơ, lượng khách đến thăm quan chợ nổi Cái Răng tăng 12 - 15% mỗi năm. Bình quân cao điểm mỗi ngày có trên 200 lượt tàu đưa đón khách du lịch. Riêng năm 2022 Cần Thơ đón 5,1 triệu lượt du khách; trong đó, hơn 70% đến tham quan chợ nổi Cái Răng.
Lượng khách đến tham quan chợ nổi Cái Răng tăng 12 - 15% mỗi năm |
Ngược với số lượng khách du lịch ngày một tăng, số lượng ghe, tàu mua bán của thương hồ trên chợ nổi Cái Răng ngày một giảm. Từ 500-600 ghe, tàu cách đây hàng chục năm với các hoạt động giao thương sôi nổi, nay chợ nổi chỉ 250-300 ghe, giảm 50%-60%.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến lượng khách du lịch chợ nổi Cái Răng tăng, trong khi đó thương hồ lại giảm?
Báo cáo của UBND quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ nhận định, nguyên nhân đầu tiên khiến chợ nổi Cái Răng giảm sức hút là do cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương bằng đường bộ đã phát triển, nhà vườn bán trái cây, nông sản đã có thương lái đưa xe đến tận nơi, người ta giảm dùng ghe chở trên sông.
Bên cạnh đó, chợ nổi Cái Răng đang bị tác động mạnh bởi công trình xây dựng kè sông, phá vỡ cấu trúc trên bến dưới thuyền, phân tán thương hồ nên cảnh mua bán không còn nhộn nhịp như trước. Việc kè sông khiến một số vựa nông sản di chuyển sang nơi khác vì không có chỗ lên xuống neo đậu. Ghe thương lái cũng sẽ di chuyển theo. Cũng có nghĩa tập quán buôn bán trên bến dưới thuyền đã giảm dần.
Cùng với đó là sự phát triển của các siêu thị hiện đại và tiện lợi, người dân cũng dần thay đổi cách mua sắm, còn dân thương hồ ngày càng khó khăn nên phải bỏ ghe, lên bờ tìm nghề khác mưu sinh.
Không những thế, chợ nổi Cái Răng vẫn tồn tại những vấn đề: Chất lượng sản phẩm, dịch vụ chưa đảm bảo. Vẫn còn đó tiểu thương cạnh tranh không lành mạnh; sản phẩm và trải nghiệm trên chợ nổi còn đơn điệu, vấn đề xây bờ kè đang ảnh hưởng lớn. Ngoài ra chức năng quản lý nhà nước trên chợ nổi Cái Răng thuộc nhiều ngành, nhiều cấp, nên còn chồng chéo; sự phát triển nhanh của giao thông đường bộ ảnh hưởng lớn đến lượng ghe tàu trên chợ nổi; công tác bảo vệ môi trường còn bất cập…
Giữ lại bức tranh trên bến dưới thuyền
Có thể thấy, văn hóa nguyên bản của chợ nổi Cái Răng hiện ở thời điểm đã bị phai nhạt. Hình ảnh giao thương của thương hồ tạo nên một trong những nét văn hóa sông nước đặc trưng trên bến dưới thuyền nay không còn thấy nữa.
Vậy làm cách nào để chợ nổi Cái Răng không “chìm” mà vẫn giữ được văn hóa nguyên bản của nó? Việc bảo tồn văn hóa chợ nổi là vấn đề cốt lõi hiện nay cần có những giải pháp của chính quyền địa phương cũng như chính người dân nơi đây. Trong đó, cần hỗ trợ đa dạng hóa việc gia tăng thu nhập cho thương hồ, như khai thác thêm các điểm thu mua, sơ chế nông sản, xây dựng sản phẩm OCOP… UBND quận Cái Răng cũng nên tìm giải pháp để chợ nổi Cái Răng được công nhận là làng nghề truyền thống để có những chính sách hỗ trợ về kinh tế cho những hộ dân gắn bó lâu dài với chợ nổi. Ðịa phương nên cân nhắc thành lập hợp tác xã hay một nhóm đầu mối liên kết nông sản địa phương, để việc thu mua, xuất khẩu hay đưa đến các siêu thị, cửa hàng lớn dễ dàng hơn. Cần xây dựng các tiêu chuẩn để đảm bảo về chất lượng nông sản, hướng tới việc đưa sản phẩm kết nối thương mại điện tử.
Cần phải giữ chân thương hồ |
Đối với việc xây bờ kè đặc trưng làm sao đảm bảo giao thương giữa chợ trên bờ và chợ trên sông thuận lợi. Đặc biệt cần phải giữ chân thương hồ và nên phải giữ hiện trạng tự nhiên của chợ nổi, đồng thời mở rộng chợ nổi theo định hướng phát triển du lịch. Tuy nhiên muốn chợ nổi phát triển du lịch thì phải có sản phẩm để tiếp thị và bán. Tránh việc khách du lịch chủ yếu làm tăng doanh thu cho cánh hàng rong, chưa làm tăng thu nhập cho thương hồ bởi họ vốn thường bán sỉ. Vì thế, địa phương phải xây dựng sản phẩm độc đáo, chất lượng và hấp dẫn.
Phát triển du lịch trên chợ nổi phải hài hòa, không còn nghịch cảnh khách tăng thương hồ giảm |
Bên cạnh đó, việc phát triển du lịch trên chợ nổi phải hài hòa, tránh làm mất đi những nét văn hóa vốn có, cần giữ mối quan hệ giữa các thương hồ. Thương hồ là “linh hồn” của chợ nổi Cái Răng, còn thương hồ thì còn chợ nổi. Thương hồ là chủ thể của văn hóa chợ nổi, cần tạo mọi điều kiện để họ ở lại chợ nhằm làm sinh động bức tranh trên bến dưới thuyền.