Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự: Phải lòng đường kim mũi chỉ
Kỷ niệm với bức chân dung Bác Hồ
Sinh ra trong “cái nôi” của làng nghề thêu ren nổi tiếng Bắc bộ, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín (Hà Nội), từ nhỏ, nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự đã nắm vững kỹ thuật thêu tay truyền thống, vận dụng nhuần nhuyễn quy tắc “xanh là lá, đỏ là hoa” để biến tranh thêu thành những tác phẩm tinh xảo.
Nhớ lại những ngày đầu, nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự không giấu được cảm xúc bồi hồi: “Vừa sang tuổi 16, tôi được nhận vào làm tại Hợp tác xã (HTX) thêu Hợp Tiến trên địa bàn xã, phụ trách kỹ thuật. Việc được nhận vào HTX thêu đã giúp tôi hoàn thiện hơn những đường kim, mũi chỉ cho bức tranh thêu của mình.”
Vào khoảng đầu năm 1972, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong một lần về thăm HTX thêu Hợp Tiến đã rất thích và hài lòng với những bức tranh thêu thủ công. Duy chỉ có một điều cố Tổng Bí thư hỏi về bức tranh chân dung Bác Hồ thì chưa có. Nhận được câu hỏi đó, chàng trai trẻ Quốc Sự năm ấy đã trăn trở và nung nấu quyết tâm phải học thêu bằng được chân dung Bác Hồ kính yêu. Nghĩ là làm, nghệ nhân đã theo học hội họa tại Trường Mỹ nghệ Hà Tây. Sau khi tốt nghiệp, ông đã khéo léo kết hợp kiến thức hội họa học được vào kỹ thuật thêu tay để thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - nghệ nhân Quốc Sự nhớ lại.
Chính ông cũng bất ngờ, bức tranh đầu tay thêu chân dung Bác Hồ đã thành công ngoài mong đợi. Từ khóe mắt, nụ cười đến chòm râu của Bác được khắc họa tỉ mỉ, chân thực. Đặc biệt, thần thái của Bác được thể hiện sống động mà rất ít nghệ nhân có thể làm được. Nghệ nhân chia sẻ, để thêu được bức chân dung Bác Hồ, ông mất gần một năm, thậm chí khi ngủ cũng trăn trở về từng đường nét trên khuôn mặt Bác, làm sao để phối màu chỉ cho phù hợp, dùng kỹ thuật thêu như thế nào. Ngoài ra, để thêu được tác phẩm này, người thợ còn cần đến lòng kính trọng, yêu nghề.
Chính vì vậy, hơn 40 năm đã qua, bức tranh thêu ấy vẫn được treo trang trọng trong phòng khách nhà nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự như một kỷ vật để đời.
Giữ nghề truyền thống
Nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự chia sẻ thêm: “Ở Thắng Lợi có rất nhiều người sống và lớn lên cùng với những khung thêu. Một năm có 12 tháng thì ngót 10 tháng họ ngồi bên khung thêu, thời gian còn lại là lo việc đồng áng. Nay thời thế thay đổi, lớp nghệ nhân xưa giờ chỉ còn mấy người. Các làng nghề khác họ có thể áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất nhưng tranh thêu thì không thể thay thế được. Vì vậy, nếu không gìn giữ và phát triển làng nghề, sau này nghề tổ bị mai một quả là có lỗi với các bậc tiền nhân”.
Với mong muốn đó, ông đã dồn tâm huyết khôi phục lại các xưởng thêu truyền thống; đồng thời hướng cả 10 người con, từ trai, gái, dâu, rể tham gia vào các xưởng thêu tay truyền thống học nghề. Tiếp đó, ông cùng địa phương tổ chức hội làng nghề thêu tay truyền thống, để tập hợp các nghệ nhân, liên kết sản xuất tranh thêu tay, từng bước phát triển làng nghề vượt ra khỏi huyện Thường Tín, lan tỏa sang các vùng khác.
Đối với ông, để dạy được một thợ thêu là cả sự nhẫn nại, bền bỉ như “con tằm trọn đời nhả tơ”, dệt nên những ước mơ của người dân quê nghèo. Thậm chí, mỗi người thợ học nghề xong, ông còn giữ lại làm việc luôn tại xưởng thêu Quốc Sự. Ai ở xa, thì cho mang hàng về làm tại địa phương. Hiện nay, gia đình ông có 5 xưởng thêu tay truyền thống, thu hút khoảng 200 lao động.
Dưới bàn tay tài hoa và sự tâm huyết, nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự đã đào tạo ra nhiều lớp thợ thêu giỏi. Những sản phẩm tranh thêu truyền thống của người Việt đã lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới. Ở trong nước, ông đặt hai phòng tranh tại 21B Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm và 107B Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội, để quảng bá sản phẩm tới du khách trong và ngoài nước.
Bàn tay tài hoa khéo léo của ông Sự không chỉ nổi danh xứ Bắc, mà còn vang ra nước ngoài. Năm 2000, Đài Truyền hình Nhật Bản NHK đã sản xuất một chương trình về ông và cơ sở tranh thêu tay Quốc Sự do ông sáng lập. Nhờ đó, danh tiếng của tranh thêu tay truyền thống ở Việt Nam cũng được lan tỏa. Có người cảm thán rằng, những người thợ thêu ở Thắng Lợi có thể mô tả một dòng suối trong vắt bằng đường kim mũi chỉ, dưới làn nước hiện lên những viên sỏi mòn nhẵn. Ấy là họ đã đạt đến chiều sâu của một tác phẩm nghệ thuật, chứ không chỉ dừng lại ở việc vờn tỉa bên ngoài.
Nghệ nhân Nnguyễn Quốc Sự giờ đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông vẫn không ngừng lao động, sáng tạo nghệ thuật; đồng thời nỗ lực truyền nghề cho thế hệ sau như cách ông đã làm hàng chục năm nay. |